Tổng thống Donald Trump trước nguy cơ bị luận tội

.

“Nỗ lực đảo chính bất hợp pháp, mang tính đảng phái” là những gì mà Tổng thống Donald Trump mô tả về tiến trình luận tội ông do đảng Dân chủ tiến hành. Với cuộc bỏ phiếu của Hạ viện vào ngày 18-12, nhiều khả năng ông Trump sẽ trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án quá trình đảng Dân chủ luận tội ông tại Hạ viện.  Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án quá trình đảng Dân chủ luận tội ông tại Hạ viện. Ảnh: Reuters

Khi các nhà lập pháp nhóm họp để đặt ra các quy tắc tranh luận trước cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 18-12 (giờ Washington) về 2 điều khoản luận tội, Tổng thống Donald Trump đã gửi một bức thư dài 6 trang đến Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Trong đó, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, động thái của đảng Dân chủ là “nỗ lực đảo chính bất hợp pháp, mang tính đảng phái”. Ông Trump đưa ra những lập luận gay gắt nhất: “Bằng việc tiến hành việc luận tội vô căn cứ, bà đã vi phạm lời tuyên thệ của mình. Bà đang phá bỏ lòng trung thành của mình với hiến pháp và tuyên chiến với nền dân chủ Mỹ. Bà coi dân chủ như kẻ thù”. Bà Pelosi mô tả bức thư là động thái “dằn mặt” của Tổng thống trước phiên bỏ phiếu toàn thể của Hạ viện.

Ngày càng có nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ bày tỏ quan điểm ủng hộ các điều khoản luận tội chống lại Tổng thống Trump, trong đó có các nghị sĩ Kendra Horn (bang Oklahoma), Anthony Brindisi (New York) và Mikie Sherrill (bang New Jersey). Quyết định của các nghị sĩ ôn hòa là tín hiệu cho thấy cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện gần như chắc chắn sẽ không có chia rẽ lớn trong quan điểm chung của đảng Dân chủ, vốn đang nắm thế đa số tại cơ quan lập pháp này.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - bác bỏ những yêu sách của đảng Dân chủ đòi 4 quan chức của Nhà Trắng tham gia với tư cách nhân chứng, trong đó có ông John Bolton, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump và ông Mick Mulvaney, quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng.

Ông Chuck Schumer - lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện cho rằng, việc tổ chức phiên xử mà không có các nhân chứng sẽ là “sự lầm lạc”, đồng thời tuyên bố sẽ yêu cầu bỏ phiếu về việc có cần triệu tập các nhân chứng và phát trát đòi các tài liệu trong phiên xử hay không. “Các phiên xử luận tội, giống như mọi phiên xét xử khác, đều có nhân chứng”, ông Schumer nói.

Thực tế, phiên bỏ phiếu toàn thể tại Hạ viện chỉ có thể diễn ra sau nhiều giờ tranh luận. Theo phóng viên Nick Fandos, người chuyên theo dõi diễn biến vụ luận tội cho báo New York Times, phần tranh luận sẽ bắt đầu tại Hạ viện từ khoảng 9 giờ ngày 18-12 và có thể kéo dài suốt hôm đó. Thời điểm bỏ phiếu có thể bắt đầu vào tối 18-12 (giờ địa phương).

Hạ viện hoạt động trong khuôn khổ những nguyên tắc chặt chẽ và thời gian thảo luận/tranh luận được quy định có giới hạn. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, sẽ rất khó nếu đảng Cộng hòa muốn có những tác động làm thay đổi đáng kể kết quả cuộc bỏ phiếu này.

Cũng theo giới quan sát, phiên tranh luận chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu toàn thể dự kiến là sự pha trộn giữa các nghi thức theo quy định và cả những hỗn loạn có thể xảy ra. Dĩ nhiên người ta cũng đoán trước về những phát biểu mang tính chỉ trích, lên án gay gắt và cả những phản biện đáp trả không kém “lửa”. Năm 1998, cũng trong ngày Hạ viện bỏ phiếu toàn thể để luận tội Tổng thống Bill Clinton, các nghị sĩ đảng Dân chủ thậm chí đã có lúc tràn ra nghị trường để tỏ thái độ phản đối.

Ở phiên bỏ phiếu, Hạ viện sẽ lần lượt giải quyết độc lập 2 điều khoản luận tội ông Trump, gồm tội lạm dụng chức vụ và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội. Nếu 2 tội danh này được Hạ viện thông qua thì sẽ mở đường cho một phiên xử tại Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát. Kết luận tại phiên xử ở Thượng viện sẽ là phán quyết cuối cùng cho việc có kết tội và bãi nhiệm ông Trump hay không.

Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm thế đa số, mà đảng Cộng hòa thì kiên quyết ủng hộ Tổng thống đương nhiệm nên kịch bản xấu nhất như mong muốn của đảng Dân chủ ít khả năng xảy ra, thậm chí là không thể. Trong lịch sử, chưa có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua tiến trình luận tội được tiến hành theo Hiến pháp Mỹ, và đến nay cũng có rất ít dấu hiệu cho thấy các thượng nghị sĩ Mỹ sẽ thay đổi điều này.

Đại học Quinnipiac (Mỹ) công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, giữa “bão tố” luận tội, Tổng thống Donald Trump vẫn có mức độ ủng hộ cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, theo thăm dò được thực hiện từ ngày 11 đến 15-12, có 43% người tham gia khảo sát ý kiến công nhận hiệu quả làm việc của ông Trump, trong khi 52% không công nhận. Phần lớn sự ủng hộ dành cho Tổng thống Trump liên quan đến những phản ứng tích cực đối với nền kinh tế.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.