Tranh luận nảy lửa trong phiên xét xử Tổng thống Trump đầu tiên tại Thượng viện

.

Thượng viện Mỹ ngày 21-1 chính thức mở phiên xét xử luận tội đầu tiên với Tổng thống Donald Trump sau khi Hạ viện đưa ra 2 điều khoản luận tội người đứng đầu chính phủ. Bên công tố và bào chữa đã đưa ra tranh luận nảy lửa về quy định xét xử.

Phiên xét xử tại Thượng viện Mỹ ngày 21/1. (Ảnh: Sentate TV)
Phiên xét xử tại Thượng viện Mỹ ngày 21/1. (Ảnh: Sentate TV)

Theo Reuters, mở đầu phiên xét xử, các nghị sĩ bắt đầu tranh luận về các quy định xét xử tại Thượng viện.

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã nhắc lại 4 điểm trong nghị quyết do ông đề xuất cho phiên tòa. Thứ nhất, Thượng viện sẽ nghe phần trình bày của các Hạ nghị sĩ Dân chủ đóng vai trò là công tố viên. Tiếp đến là phần trình bày của đoàn luật sư biện hộ cho Tổng thống Trump. Sau đó, các bên sẽ đặt câu hỏi và tranh luận. Cuối cùng, Thượng viện sẽ bỏ phiếu để quyết định có triệu tập thêm nhân chứng hay yêu cầu thêm bằng chứng không.

Ban đầu, ông McConnell đề xuất một phiên xét xử nhanh chóng không cần triệu tập nhân chứng, bằng chứng mới và cả hai nhóm công tố cũng như bào chữa chỉ có 24 giờ trong 2 ngày để tranh luận tại phiên xét xử. Tuy nhiên, thay đổi phút chót của nghị quyết cho phép mỗi bên có 24 giờ tranh luận trong 3 ngày. Ngoài ra, kết quả điều tra của Hạ viện cũng được coi là bằng chứng tại tòa. Các nguồn thạo tin nói rằng, ông McConnell muốn phiên xét xử chỉ kéo dài khoảng 10 ngày.

Trong ngày đầu tiên của phiên xét xử, bên công tố và bên bào chữa đã đưa ra những quan điểm riêng. Ông Adam Schiff, người đứng đầu nhóm nghị sĩ đóng vai trò công tố viên, nói rằng Tổng thống Trump đã có những sai phạm đi ngược lại hiến pháp và phải bị luận tội. Ông Schiff nói rằng mặc dù bằng chứng chống lại ông Trump đã quá nhiều, song vẫn cần thêm nhân chứng cho phiên xét xử. Trong khi đó, luật sư trong nhóm bào chữa, ông Pat Cipollone nhấn mạnh: "Kết luận duy nhất là Tổng thống không làm gì sai trái".

Cũng tại phiên xét xử, với tỷ lệ bỏ phiếu 53-47, Thượng viện đã bác bỏ đề nghị của lãnh đạo Dân chủ Chuck Schumer yêu cầu Nhà Trắng phải đưa ra văn bản và bằng chứng liên quan đến các liên lạc giữa Tổng thống Trump với giới chức Ukraine.

Đây được coi là một trong những phiên tòa lịch sử ở nước Mỹ khi ông Trump trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước này bị xét xử luận tội. Mặc dù đây là phiên xét xử ông Trump, song ông không nhất thiết phải có mặt. Thực tế, khi phiên xét xử diễn ra, ông Trump đang dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Theo kế hoạch ban đầu, phiên tòa xét xử dự kiến kéo khoảng dài 2 tuần, bắt đầu từ thứ 2 đến thứ 6, các thượng nghị sĩ sẽ nghe các bên tranh luận 6 tiếng/ngày. Chánh án Tòa tối cao John Roberts giữ quyền chủ tọa phiên tòa, trong khi 7 Hạ nghị sĩ Dân chủ đóng vai trò là công tố viên, nhóm luật sư bào chữa của Tổng thống Trump do cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone và luật sư riêng của ông Trump, Jay Sekulow, đứng dầu.

Hạ viện Mỹ hồi cuối tháng 12/2019 đã thông qua 2 điều khoản luận tội Tổng thống Trump gồm lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội. Hạ viện cho rằng, việc ông Trump hoãn khoản viện trợ quân sự 400 triệu USD để gây sức ép buộc Ukraine điều tra đối thủ chính trị Joe Biden là "lạm dụng quyền lực". Trong khi đó, ông Trump bị cáo buộc cản trở pháp lý khi từ chối hợp tác với các cuộc điều tra của quốc hội.

Nhóm luật sư bào chữa của ông Trump đã chỉ trích bản luận tội của Hạ viện: "Đây là một nỗ lực trơ tráo và bất hợp pháp nhằm đảo ngược kết quả của kỳ bầu cử 2016 và can thiệp vào cuộc bầu cử 2020".

Để kết tội, phế truất Tổng thống Trump cần ít nhất sự ủng hộ của 2/3 Thượng viện, tương đương 67/100 phiếu thuận. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khả năng ông Trump được tha bổng là rất lớn bởi Thượng viện hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát và không nghị sĩ Cộng hòa nào muốn luận tội người đứng đầu chính phủ.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.