Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

.

Ngày 18-2, tờ Thời báo Kinh tế Ấn Độ dẫn báo cáo của tổ chức nghiên cứu Báo cáo Dân số thế giới có trụ sở tại Mỹ cho biết, năm 2019, Ấn Độ đã vượt qua Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Theo đó, GDP của Ấn Độ năm 2019 đạt 2.940 tỷ USD, trong khi con số này của Anh là 2.830 tỷ USD, của Pháp là 2.710 tỷ USD. Tính theo sức mua tương đương (PPP), quy mô GDP của Ấn Độ là 10.510 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản và Đức. Ấn Độ đã thay đổi các chính sách tự cấp tự túc trước đây để phát triển thành  nền kinh tế thị trường mở. Tuy vậy, do dân số đông, GDP của Ấn Độ chỉ 2.170 USD (con số này của Mỹ là 62.794 USD). Báo cáo cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm năm thứ 3 liên tiếp, từ 7,5% còn 5%.

Tổ chức nghiên cứu Báo cáo Dân số thế giới nhận định, quá trình tự do hóa nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu từ đầu những năm 1990, bao gồm việc bãi bỏ các quy định công nghiệp, giảm kiểm soát ngoại tệ và đầu tư, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Ngành dịch vụ của Ấn Độ hiện là lĩnh vực phát triển nhanh trên toàn thế giới, đóng góp 60% vào nền kinh tế và chiếm 28% lao động. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp là hai ngành quan trọng khác của nền kinh tế nước này.

Theo bảng xếp hạng của tổ chức nghiên cứu Báo cáo Dân số thế giới, top 10 nền kinh tế lớn nhất hiện nay theo thứ tự là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Anh, Pháp, Ý, Brazil và Canada.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.