Kinh tế Trung Quốc điêu đứng vì dịch do nCoV

.

Các chuyên gia phân tích hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải (Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (nCoV). Ảnh: Reuters
Sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải (Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (nCoV). Ảnh: Reuters

Theo trang Caixin Global có trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc), các chuyên gia kinh tế ước tính dịch nCoV đã gây thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ (114 tỷ USD) trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua tại Trung Quốc. Con số này được tính toán dựa trên những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với các lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, du lịch và công nghiệp điện ảnh.

Ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhiều hoạt động kinh tế tại các thành phố của Trung Quốc hiện vẫn chưa được khởi động trở lại kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều nhà máy ngưng hoạt động vô thời hạn. Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, rạp phim… cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì người dân Trung Quốc được khuyến cáo nên ở nhà, tránh ra đường và tới những nơi công cộng. Nhiều bộ phim hoãn kế hoạch ra rạp và 15 bộ phim dự kiến ra mắt ở các rạp dịp Lễ tình nhân (14-2) cũng hoãn chiếu.

Dịch vụ nhà đầu tư của Moody (Moody’s Investors Service), còn gọi là thang Moody, công bố báo cáo mới đây cho rằng: “Những ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng và trực tiếp nhất đang diễn ra tại Trung Quốc… nhưng sẽ ảnh hưởng mạnh tới thế giới, căn cứ vào vị thế quan trọng của Trung Quốc với tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu cũng như với nguồn thu nhập của các doanh nghiệp toàn cầu”.

Tuần qua, ông Zhang Ming, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2020 của cường quốc châu Á này có thể tụt xuống 5%, thậm chí thấp hơn nữa vì dịch bệnh. Trong quý 4-2019, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 30 năm, đạt 6% và giới chuyên gia ước tính dịch nCoV sẽ kéo lùi thêm tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo ông Zhang, ảnh hưởng của dịch nCoV với nền kinh tế Trung Quốc có thể nặng nề hơn so với ảnh hưởng của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

Nhiều dự đoán tăng trưởng dưới 6%

Moody hiện dự đoán tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 là 5,8%. Song, con số này chắc chắn sẽ thay đổi tùy theo diễn biến của dịch nCoV trong thời gian tới. Dù vậy, theo chuyên gia Martin Petch của Moody, ngay cả khi hoạt động tiêu dùng khôi phục trở lại, sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc cũng sẽ không thể mạnh mẽ được như giai đoạn sau dịch SARS năm 2002-2003.
Mặc dù Moody chưa cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong cả năm 2020, nhưng nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính khác đã hạ mức tăng trưởng này. Cụ thể, các chuyên gia kinh tế của Citigroup giảm mức nói trên từ 5,8% còn 5,5%; tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) giảm từ 5,9% xuống còn 4,9 - 5,4%; ngân hàng Natixis giảm từ 5,7% xuống còn 5,5%; ngân hàng Thụy Sĩ UBS giảm từ 6% xuống 5,5%...

Dẫu thế, có một số ý kiến lạc quan rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp kích thích kinh tế nhằm bù đắp cho những ảnh hưởng quá lớn của dịch nCoV. Theo ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư toàn cầu của ngân hàng UBS, giới quan sát vẫn tin tưởng cách xử lý khủng hoảng dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc. “Chúng tôi tin rằng, những biện pháp của Trung Quốc trong việc kiểm soát nCoV, trong đó có việc cách ly theo dõi các ca nghi nhiễm bệnh, cũng như những biện pháp phòng ngừa tại các nước khác như hủy các chuyến bay và kiểm soát biên giới, sẽ phát huy tác dụng”, chuyên gia này chia sẻ với đài CNBC (Mỹ).

Một trẻ sơ sinh ở Vũ Hán nhiễm nCoV

Báo South China Morning Post ngày 5-2 cho biết, một trẻ sơ sinh ở Vũ Hán (Trung Quốc) được xác định dương tính với virus Corona chủng mới (nCoV) chỉ sau 30 giờ sau sinh. Sản phụ là một bệnh nhân nhiễm nCoV. Điều này làm dấy lên lo ngại phụ nữ mang thai nếu nhiễm nCoV thì có thể truyền bệnh cho thai nhi.

Cũng trong ngày 5-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, những nỗ lực của nước này nhằm kiểm soát dịch nCoV đang ở giai đoạn quan trọng và các nhà chức trách phải ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) đã phân tách thành công nCoV từ một bệnh nhân trong nước. CDC đã tiêm và nuôi cấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp của bệnh nhân lên tế bào, xác nhận được sự sinh sôi của nCoV và phân tích trình tự di truyền, từ đó phân tách thành công virus. Tên khoa học của nCoV được phân tách thành công tại Hàn Quốc là “BetaCoV/Korea/KCDC03/2020”.

Tính đến ngày 5-2, thế giới có 492 trường hợp tử vong vì nCoV, trong đó 1 trường hợp ở Philippines và 1 trường hợp ở Hong Kong (Trung Quốc), còn lại là ở Trung Quốc đại lục; có hơn 24.500 trường hợp mắc bệnh.

THIÊN BÌNH

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.