Số người chết do nCoV cao hơn dịch SARS

.

Số người chết vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã vượt quá 800 người, hơn cả số người tử vong do hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

Các nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện dã chiến ở vùng tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/Getty Images
Các nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện dã chiến ở vùng tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/Getty Images

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, ngày 9-2, số người chết do nCoV ở Trung Quốc đại lục lên đến 811 người, cùng với 1 trường hợp ở Philippines và 1 trường hợp ở Hong Kong (Trung Quốc). Trong khi đó, số ca tử vong do dịch SARS năm 2002-2003 là 774 người và có 8.098 người mắc bệnh, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc). Theo hãng AP, phản ứng lúc xảy ra dịch SARS nhanh hơn và các nước trên khắp thế giới đã áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Mấy ngày trước, WHO thông báo nhiều ca đã hồi phục sức khỏe. Ông Michael Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho rằng, “giai đoạn ổn định” có thể phản ánh tác động của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục được ghi nhận trong ngày 5-2 đạt “đỉnh” gần 3.900 người. Song, từ ngày 6-2 đến 9-2, số ca nhiễm mới mỗi ngày đều ít hơn. Ngày 9-2, con số này là hơn 2.600 người.

Tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), có 2 trường hợp người nước ngoài tử vong vì nhiễm nCoV, đó là một công dân Mỹ và một công dân Nhật Bản. Trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama (Nhật Bản), có thêm 6 trường hợp nhiễm nCoV, nâng tổng số hành khách nhiễm bệnh lên 70 người và tổng cộng số ca nCoV ở Nhật Bản hiện nay là 96. Có 3.700 hành khách và thủy thủ ở trên du thuyền Diamond Princess, trong đó có 428 công dân Mỹ.

Trong khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thúc giục các đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế và thuốc men của nước này nỗ lực cung cấp thiết bị kiểm tra sức khỏe, bộ dụng cụ xét nghiệm, kính bảo vệ mắt cho các nhân viên y tế, khẩu trang, các loại thuốc liên quan càng sớm càng tốt. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc Jiang Chaoliang kêu gọi các nhà chức trách hoàn thành việc xét nghiệm một ca nghi nhiễm nCoV trong 2 ngày để bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Bệnh viện Lôi Thần Sơn, bệnh viện dã chiến thứ hai ở Vũ Hán, với công suất 1.600 giường bệnh được đưa vào sử dụng từ ngày 8-2. Bệnh viện này được xây dựng từ ngày 26-1 theo mô hình Bệnh viện Tiểu Thang Sơn ở thủ đô Bắc Kinh, nơi từng điều trị các bệnh nhân SARS. Song, giới chức y tế Trung Quốc vẫn lo ngại tình trạng quá tải khi số người mắc bệnh tiếp tục tăng.

Nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn điều sẽ đến Trung Quốc vào ngày 10 hoặc 11-2 để điều tra và hỗ trợ nước sở tại đối phó với dịch nCoV. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo vệ cá nhân (khẩu trang, găng tay, mặt nạ phòng độc và trang phục bảo hộ y tế) trong lúc dịch bệnh chưa được khống chế.

Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, hiện chưa có thuốc kháng virus cho bệnh nhân nCoV và khuyến cáo người dân không trữ hoặc dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

Châu Phi giám sát chặt chẽ người nhập cảnh

Dịch nCoV chưa xuất hiện ở châu Phi - nơi có 1,2 tỷ dân, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại nguy cơ lây lan sang “lục địa đen” khi ước tính 1 triệu người Trung Quốc đang sinh sống nơi đây và mỗi ngày có hàng trăm du khách đến từ Trung Quốc. Hiện các nước trên khắp châu Phi thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ ở các cảng, các cửa khẩu; nhiều hãng hàng không cũng ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc.

Theo AFP, một số nước châu Phi có hệ thống y tế yếu kém nhất thế giới trong việc phát hiện và điều trị bệnh nên sẽ rất nguy hiểm nếu dịch nCoV lan đến châu lục này.

Trung Quốc đặt tên mới cho nCoV

Theo CNN, ngày 8-2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tạm thời đặt tên cho nCoV là Novel Coronavirus Pneumonia (NCP), tạm dịch: bệnh viêm phổi virus corona mới. Song, tên gọi chính thức cuối cùng sẽ do Ủy ban quốc tế về phân loại virus quyết định.

Tên gọi 2019-nCoV hay nCoV do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi tạm thời được cho là khó phát âm và không phổ biến bằng cách gọi virus Corona.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.