Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, số ca nhiễm Covid-19 mới bên ngoài Trung Quốc trong vòng 24 giờ cao gấp 9 lần số ca nhiễm được ghi nhận tại nước này.
Công tác khử trùng tiếp tục được thực hiện ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 3-3. Ảnh: Getty Images |
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 2-3 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: Nguy cơ Covid-19 lây lan hiện rất cao, ở mức toàn cầu. Tổng số ca nhiễm trên thế giới tính đến ngày 3-3 lên đến hơn 92.100 người, với 3.127 người tử vong.
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 125 ca nhiễm và 31 trường hợp tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc. Đây là những con số thấp nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 23-1, thời điểm các nhà chức trách phong tỏa vùng tâm dịch Vũ Hán. Như vậy, Trung Quốc đại lục có tổng cộng hơn 80.100 người nhiễm bệnh, 2.943 người tử vong. “Việc ngăn chặn Covid-19 là khả thi và phải là ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các quốc gia”, ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO đề cập mối quan ngại về tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản. Trong số gần 9.000 ca nhiễm bệnh ở các quốc gia/vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục, 81% ở 4 nước nói trên. Song, ông Tedros cho rằng, có bằng chứng cho thấy có sự giám sát chặt chẽ ở Hàn Quốc - vùng tâm dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, và dịch bệnh có thể được khống chế tại xứ sở kim chi.
Theo hãng Yonhap, Hàn Quốc ghi nhận thêm 374 ca nhiễm trong ngày 3-3, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 5.200 và 31 ca tử vong. Tại cuộc họp nội các, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố bắt đầu cuộc chiến chống Covid-19, đặt tất cả cơ quan chính phủ vào tình trạng báo động trong 24 giờ. “Cả nước bước vào cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm khi khủng hoảng ở Daegu và Gyeongbuk Bắc lên đến đỉnh điểm”, ông Moon Jae-in nói. Người đứng đầu Nhà Xanh xin lỗi người dân vì chính phủ chưa cung cấp khẩu trang đầy đủ và nhanh chóng, gây ra nhiều bất tiện. Ông yêu cầu các quan chức tìm kiếm phương án cung cấp khẩu trang công bằng và hợp lý tối đa, cho tới khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường; đồng thời thông báo kế hoạch trích 30.000 tỷ won (25 tỷ USD) từ các quỹ để bơm trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động chống dịch.
Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip cho hay, sẽ thiết lập thêm các cơ sở cách ly ở thành phố Daegu vào đầu tuần tới để tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân Covid-19. Vị quan chức ngành y tế này còn kêu gọi người dân rửa tay với xà phòng và tránh những nơi đông người.
Tại Iran, hãng AP cho hay, các chuyên gia WHO đã đến quốc gia này để hỗ trợ giới chức y tế và cung cấp trang thiết bị cần thiết. Pháp, Đức và Vương quốc Anh đều tuyên bố sẽ gửi dụng cụ xét nghiệm, trang phục bảo hộ và găng tay y tế đến Iran, đồng thời hỗ trợ khoảng 5 triệu euro (5,5 triệu USD) cho Tehran. Tổng Giám đốc WHO Tedros đánh giá cao tuyên bố của Mỹ ủng hộ Iran chống dịch bằng việc cho phép các nước cung cấp trang thiết bị cho Tehran mặc dù quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này đang bị trừng phạt vì chương trình hạt nhân.
Bộ Y tế Iran ngày 3-3 ghi nhận thêm 835 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Theo đó, Iran có tổng cộng 2.336 ca nhiễm và 77 ca tử vong - số ca tử vong do Covid-19 cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định công tác phòng, chống dịch bệnh hoàn toàn minh bạch và kêu gọi các cơ quan chính phủ tập trung nguồn lực để hỗ trợ Bộ Y tế ứng phó với Covid-19.
Ở Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo khẳng định, chính phủ của ông sẵn sàng triển khai thêm các biện pháp nhằm bảo vệ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng do Covid-19. Ông Abe cam kết tập trung ngăn chặn dịch bệnh ở Nhật Bản trong một vài tuần tới khi con số tử vong ở nước này hiện là 12 người.
Tại Ý, số người nhiễm bệnh tăng lên hơn 2.000 người, số ca tử vong tăng nhanh chóng từ 18 lên 52. Trong khi đó, Đức là điểm bùng phát dịch mới ở châu Âu với 165 ca nhiễm.
Ukraine, Latvia, Saudi Arabia, Senegal và Maroc đều có các ca nhiễm đầu tiên.
PHÚC NGUYÊN