Ý xoay xở chống Covid-19

.

Các cửa hiệu, nhà hàng ở Ý đều đóng cửa; hàng trăm chuyến bay phải hoãn; đường phố vắng vẻ... Đó là những điều chưa từng xảy ra ở một quốc gia có nền dân chủ lâu đời như Ý khi lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 10-3 và kéo dài đến 3-4.

Phun thuốc khử trùng trong một bảo tàng ở Naples, thành phố lớn thứ 3 của Ý. 			      							         Ảnh: AP
Phun thuốc khử trùng trong một bảo tàng ở Naples, thành phố lớn thứ 3 của Ý. Ảnh: AP

Hiện tại, số ca tử vong ở Ý lên đến 631 và số ca mắc Covid-19 tăng lên hơn 10.100. Song, các nhà chức trách cảnh báo, vùng tâm dịch Lombardy giàu có nhất ở khu vực phía bắc cung cấp thống kê không đầy đủ, nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn thế.

Từ ngày 10-3, các cửa hiệu, nhà hàng đóng cửa; hàng trăm chuyến bay phải hoãn; đường phố vắng vẻ... Tại thủ đô Rome, những điểm đến nổi tiếng như Đài phun nước Trevi, Đền Pantheon, Bậc thang Tây Ban Nha… đều vắng bóng người. Quảng trường Saint Peter thuộc Vatican và Vương cung thánh đường Thánh Peter cũng đóng cửa. Các sự kiện ngoài trời như thể thao đều hoãn. Trong ít nhất 3 tuần tới, bất kỳ ai đến Ý sẽ phải có giấy tờ nêu rõ mục đích của chuyến đi.

Hãng Reuters cho biết, động thái mạnh mẽ của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte trong việc phong tỏa cả nước theo cách mà Trung Quốc từng làm đối với vùng tâm dịch Hồ Bắc gây sốc cho nhiều doanh nghiệp nhỏ. Song, chính vùng Lombardy, với thủ phủ là Milan, đã kêu gọi chính phủ cần đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa.

Một cựu chuyên gia kinh tế trưởng từng làm việc tại Bộ Tài chính Ý dự đoán, việc phong tỏa cả nước sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế từ 10-15%. Chuyên gia kinh tế Alessandro Polli, thuộc Đại học La Sapienza ở Rome cho rằng, Covid-19 tác động đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm xói mòn một số trụ cột lâu nay của nền kinh tế Ý. Theo ông Polli, doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế quốc gia này. Hãng AP cũng cho rằng, Covid-19 giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ 3 trong 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Chính phủ Ý chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên chậm hỗ trợ ứng phó Covid-19. Báo The Guardian dẫn lời Đại sứ Ý tại EU Maurizio Massari phàn nàn về việc các nước thành viên thiếu đoàn kết. Ông Massari cho rằng, Brussels cần hành động nhanh chóng, cụ thể và hiệu quả, hơn là chỉ “tham gia và tham vấn”. Các nước thành viên không đáp lại kêu gọi của Ý về việc cung cấp thêm thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang.

Đức và Pháp hạn chế việc xuất khẩu thiết bị y tế bảo hộ. Trong khi đó, từ châu Á, Trung Quốc đề nghị bán cho Ý 1.000 máy thở, 2 triệu khẩu trang, 20.000 trang phục bảo hộ… “Chúng ta phải bảo đảm rằng, dưới sự điều phối của EU, cần cung cấp trang thiết bị y tế cần thiết cho các nước, các khu vực cần nhất”, ông Massari nhấn mạnh và cho biết Ý đã yêu cầu kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của EU nhằm cung cấp thiết bị y tế, nhưng không một quốc gia EU nào đáp lại lời kêu gọi đó.

Trong cuộc họp trực tuyến tối 10-3 (giờ Brussels), các nhà lãnh đạo EU thống nhất cho rằng, có đến 70% dân số châu Âu có thể mắc Covid-19. EU cam kết tăng cường phối hợp và lập quỹ trị giá 25 tỷ euro để trợ giúp nền kinh tế của khối này đang hứng chịu hậu quả nặng nề của Covid-19. Ủy ban châu Âu sẽ trợ giúp ngay 7,5 tỷ euro, số tiền còn lại được huy động từ các chính phủ trong thời gian tới với mức đồng hỗ trợ từ 17,5 tỷ - 18 tỷ euro. Theo đó, số tiền ban đầu sẽ được đầu tư cho y tế, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường lao động. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng tuyên bố, đây là thời điểm châu Âu cần sử dụng mọi công cụ để hạn chế thiệt hại kinh tế.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.