Châu Âu bất đồng về quỹ cứu trợ kinh tế

.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-4 họp thượng đỉnh trực tuyến để bàn về quỹ cứu trợ dài hạn giúp 27 nước thành viên vượt qua khủng hoảng do Covid-19. Tuy nhiên, những bất đồng nội khối khiến liên minh này khó tìm được tiếng nói chung.

Quảng trường Mayor (Plaza Mayor) ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha không một bóng người do lệnh phong tỏa.  Ảnh: AFP/Getty Images
Quảng trường Mayor (Plaza Mayor) ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha không một bóng người do lệnh phong tỏa. Ảnh: AFP/Getty Images

Kể từ lúc Covid-19 bùng phát ở khu vực phía bắc nước Ý cách đây 2 tháng, đây là cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần thứ tư của 17 nhà lãnh đạo EU. Dịch bệnh đã làm hơn 110.000 người ở châu Âu tử vong và nền kinh tế của “lục địa già” đứng bên bờ suy thoái nghiêm trọng do các chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa.

Trong thư mời tham gia cuộc họp gửi tới lãnh đạo 27 quốc gia thành viên vào ngày 21-4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, EU chỉ nên bàn về việc đưa ra quỹ cứu trợ dài hạn và quỹ này phải đủ lớn để có thể hỗ trợ những lĩnh vực, những khu vực địa lý bị ảnh hưởng nhất, đồng thời “dành riêng để đối phó với cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ này”.

Hãng AFP cho biết, tuy 27 nước thành viên thống nhất rằng cần hàng trăm tỷ euro để vực dậy nền kinh tế, nhưng họ bất đồng về trị giá của quỹ cứu trợ và cách huy động tiền như thế nào. Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Mario Centeno gợi ý rằng, quỹ sẽ có từ 700 tỷ - 1.500 tỷ euro (khoảng 760 tỷ - hơn 1.600 tỷ USD). Song, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire muốn con số 1.000 tỷ euro.

Đại dịch Covid-19 khơi gợi lại những vết thương của châu Âu từ cuộc khủng hoảng nợ công cuối năm 2009 ở Hy Lạp, sau đó lan rộng ra các nước sử dụng đồng euro (Eurozone), đồng thời một lần nữa cho thấy sự khác biệt lớn giữa các nước Bắc Âu và Nam Âu. Covid-19 tác động nặng nề đến các quốc gia phía nam như Tây Ban Nha và Ý nên những nước này cần sự đoàn kết - sự trợ giúp về tài chính từ “những người giàu có” ở phía bắc.

Ý cảnh báo “hiệu ứng domino”

Ngày 21-4, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tiếp tục đề cập việc cần xem xét “trái phiếu Corona” - một công cụ tài chính thông qua khoản vay chung của tất cả 19 quốc gia thuộc Eurozone. Thủ tướng Conte đối mặt với áp lực khi vừa phải có được gói cứu trợ cho nền kinh tế Ý đang tê liệt do lệnh phong tỏa cả nước, vừa chịu sức ép từ những người theo chủ nghĩa dân túy bên trong và ngoài chính phủ của ông. “Hệ thống kinh tế của chúng ta liên kết với nhau. Khi một quốc gia gặp vấn đề thì sẽ dẫn đến hiệu ứng domino và đó là điều mà chúng ta nên tránh”, ông Conte nói.

Pháp cũng ủng hộ “trái phiếu Corona”. Tây Ban Nha đề xuất tạo ra các khoản tài trợ thay cho khoản vay để giúp các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng. Theo chính phủ Madrid, cách tiếp cận như thế sẽ tránh việc các nền kinh tế đang suy yếu đối mặt với nợ chồng nợ. Nhưng ý tưởng của Madrid khó được chấp nhận. Cú sốc kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha có thể lên đến 21,7% trong năm nay.

Trong khi đó, các nước phía bắc, dẫn đầu là Đức và Hà Lan, liên tục từ chối “trái phiếu Corona” và miễn cưỡng tài trợ cho các chính phủ Địa Trung Hải mặc dù Berlin và Amsterdam cáo buộc các nước phía nam tiêu xài hoang phí.

Theo AFP, các nhà lãnh đạo đề nghị Ủy ban châu Âu phân tích về nhu cầu của các nước và dự kiến ký gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 500 tỷ euro (540 tỷ USD) đã được các bộ trưởng tài chính EU thống nhất hồi đầu tháng 4. Một quan chức cấp cao của EU cho rằng, liên minh sẽ không đạt được thỏa thuận trước mùa hè, nhưng có thể có tiến triển về việc điều chỉnh ngân sách 7 năm (từ 2021-2027) của khối trong cuộc họp ngày 23-4.

Rất khó nói về việc EU sẽ có được tiếng nói chung trong việc tìm ra “công cụ hiệu quả” để giúp các nước vực dậy nền kinh tế. Ngày 23-4, trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin sẵn sàng giúp Ý và Tây Ban Nha vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh sẽ “hành động theo các quy định trong các hiệp ước hiện có của EU”. Khi EU đang có sẵn 3 công cụ gồm: chương trình tín dụng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) và Cơ chế giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong tình huống khẩn cấp (SURE), thì Đức chưa hẳn muốn “trái phiếu Corona” để không phải gánh thêm nợ chung.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.