Sớm dỡ bỏ phong tỏa: Nên hay không?

.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, việc sớm dỡ bỏ phong tỏa sẽ dẫn đến tình trạng bùng phát Covid-19 trở lại. Theo đó, việc dỡ bỏ phong tỏa nên được thực hiện dần dần, cân bằng giữa việc bảo đảm sức khỏe với tái khởi động kinh tế.

Lệnh phong tỏa gây căng thẳng cho kinh tế Ý. Chính phủ quốc gia châu Âu này sẽ nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5. Ảnh: AFP/Getty Images
Lệnh phong tỏa gây căng thẳng cho kinh tế Ý. Chính phủ quốc gia châu Âu này sẽ nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5. Ảnh: AFP/Getty Images

Phát biểu của Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, ông Takeshi Kasai, được đưa ra vào ngày 21-4, trong lúc chính phủ của nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế do lo ngại tăng trưởng kinh tế có thể ở mức âm và các nước chống dịch thành công bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Ông Kasai nhấn mạnh: “Đây không phải là lúc nới lỏng. Thay vào đó, chúng ta cần sẵn sàng cho cách sống mới trong tương lai gần”. Hãng AP dẫn lời ông Kasai rằng, các chính phủ phải thận trọng trong việc ngăn chặn virus lây lan. Việc dỡ bỏ phong tỏa hay các biện pháp giãn cách xã hội khác phải được thực hiện dần dần, cân bằng giữa việc bảo đảm sức khỏe với tái khởi động kinh tế.

Tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 20-4 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, giai đoạn tồi tệ nhất của Covid-19 vẫn ở phía trước và thúc giục sự đoàn kết của toàn cầu. “Hãy ngăn chặn thảm kịch này. Đó là loại virus mà nhiều người vẫn chưa hiểu”, người đứng đầu WHO nói nhưng không lý giải vì sao ông tin dịch bệnh có thể bước vào giai đoạn tồi tệ nhất.

Theo thống kê của WHO, số ca nhiễm trên toàn thế giới sắp cán mốc 2,5 triệu người và số ca tử vong lên đến hơn 170.000 người. Một số bang ở Mỹ đã công bố kế hoạch tái mở cửa. Hãng Boeing và Doosan Bobcat - một nhà chế tạo thiết bị hạng nặng khác của Mỹ bắt đầu nối lại hoạt động sản xuất. Cụ thể, Boeing cho khoảng 27.000 nhân viên trở lại làm việc tại các nhà máy ở Seattle nhưng phải đeo khẩu trang và chia ca luân phiên; Doosan Bobcat cho khoảng 2.200 nhân viên đến làm việc tại 3 nhà máy ở North Dakota.

Ngày 20-4, bang New York (tâm dịch lớn nhất ở Mỹ) ghi nhận thêm 478 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 14.300 trường hợp. Số ca tử vong mới này ở mức thấp nhất tại bang New York kể từ đầu tháng 4 đến nay. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại New Jersey và Connecticut - hai bang gần New York. Theo AP, tại bang Georgia, Thống đốc Brian Kemp công bố kế hoạch mở cửa lại vào cuối tuần này. Các phòng gym, tiệm tóc, sân chơi bowling, tiệm xăm hình được phép mở cửa vào ngày 24-4 nhưng phải bảo đảm yêu cầu về giãn cách xã hội và vệ sinh. Bang Texas cũng mở cửa dần, các doanh nghiệp được hoạt động lại từ đầu tuần tới.

Các nước châu Âu từng bước mở cửa khi tình trạng dịch bệnh đang giảm ở Ý, Tây Ban Nha và Đức. Ngày 21-4, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng, chính phủ sẽ nới lỏng phong tỏa từ ngày 4-5 để dần mở cửa trở lại. Lệnh phong tỏa được áp đặt từ ngày 9-3 gây căng thẳng cho nền kinh tế lớn thứ ba khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trên facebook, ông Conte viết: “Tôi mong ước có thể nói rằng, hãy mở cửa lại tất cả. Ngay lập tức. Chúng ta bắt đầu vào sáng mai…

Nhưng quyết định như thế là thiếu trách nhiệm. Nó sẽ làm đường cong dịch bệnh đi lên một cách mất kiểm soát và vô hiệu hóa tất cả nỗ lực của chúng ta từ trước đến nay”. Nhà lãnh đạo Ý cho biết, việc nới lỏng phong tỏa sẽ dựa trên nghiên cứu và dữ liệu khóa học, chứ không đáp ứng yêu cầu của một bộ phận công chúng, cơ sở sản xuất, công ty riêng lẻ hay các khu vực. Ý hiện có hơn 181.000 ca nhiễm và 24.000 ca tử vong, cao thứ ba thế giới (sau Mỹ và Tây Ban Nha).

Tại Tây Ban Nha, nếu chính phủ kết thúc lệnh phong tỏa từ ngày 9-5, ước tính GDP sẽ giảm từ 6,6 - 8,7%. Nếu kéo dài phong tỏa, GDP có thể giảm đến hơn 13% và khó đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong năm nay. Tây Ban Nha có đến hơn 200.000 ca nhiễm và 20.800 trường hợp tử vong.
Cũng trong ngày 21-4, Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định, nước ông có thể nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ tuần tới khi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 từ hơn 25% vào giữa tháng 3 giảm còn 1% thời điểm hiện nay. Các bệnh viện được thực hiện phẫu thuật và trường học cũng sẽ mở cửa. Úc có tổng cộng hơn 6.500 ca nhiễm và 67 ca tử vong.

Hãng Reuters cho biết, chính phủ New Zealand kéo dài lệnh phong tỏa thêm 5 ngày. Tuần tới, các cơ sở dịch vụ ở New Zealand được phép mở cửa nhưng phải duy trì khoảng cách. New Zealand có hơn 1.400 ca nhiễm và 12 ca tử vong.

Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - được xem là hình mẫu trong phòng, chống dịch thành công ở “lục địa già”. Chính phủ Berlin cho phép nhiều công ty và cơ sở không thiết yếu mở cửa trở lại từ ngày 20-4. Đức hiện có hơn 147.000 ca nhiễm và 4.800 ca tử vong.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.