Thế giới không còn kho chứa dầu

.

Từ đầu tháng 4, các nhà phân tích thị trường năng lượng thế giới cảnh báo, các kho dầu đang chật chội và sẽ không còn chỗ trống. Đến ngày 21-4, khi giá dầu nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 5 của Mỹ rơi xuống mức âm, lần đầu tiên người bán sẵn sàng trả tiền cho người mua để “tống” đi số dầu đang có.

Sản lượng dầu thô ở Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.  Trong ảnh: Dầu thô được lưu trữ tại bang Texas. 					                   Ảnh: Reuters
Sản lượng dầu thô ở Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Trong ảnh: Dầu thô được lưu trữ tại bang Texas. Ảnh: Reuters

Sau khi giảm xuống còn -37,63 USD/thùng, mức thấp nhất sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng lên hơn 0 USD/thùng. Đến sáng 22-4 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI tăng lên 13,62 USD/thùng, giá dầu Brent lên 19,37 USD/thùng. Hãng Reuters cho biết, các doanh nghiệp dầu mỏ đang loay hoay tìm chỗ chứa dầu trong lúc lượng cung quá dư thừa, còn nhu cầu sụt giảm 30% do các chính phủ yêu cầu công dân ở nhà và ngừng các hoạt động vận tải để ngăn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, nhưng nước sản xuất dầu vẫn tung hàng ra thị trường trong tháng 3 và đầu tháng 4, thời điểm Covid-19 hoành hành toàn cầu.

Theo báo Guardian, khoảng 160 triệu thùng dầu đang nằm trong các kho khổng lồ bên ngoài những cảng trung chuyển của thế giới. Trung tâm lưu trữ dầu Cushing ở bang Oklahoma (Mỹ) hiện chứa gần 60 triệu thùng dầu và chỉ có thể nhận thêm 21 triệu thùng, tương đương lượng dầu cung cấp cho ngành sản xuất tại Mỹ trong gần 2 ngày. Các công ty của Mỹ cũng đã giảm khối lượng sản xuất. Theo đó, sản lượng dầu thô ở nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, so với 13,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2019. Nhưng mức giảm này vẫn không theo kịp mức giảm về nhu cầu tiêu thụ.

Hãng BBC gọi đây là “sự sụp đổ của nguồn cầu”. Chưa bao giờ người bán lại sẵn sàng trả tiền cho người mua với mức gần 40 USD/thùng để “tống” đi số dầu đang có. Các chuyên gia lý giải, khi nhiều kho dự trữ dầu mỏ sắp hết và dự kiến cạn kiệt trong tháng 5, chi phí lưu trữ quá cao, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, các nhà đầu cơ chọn giải pháp sẵn sàng mất tiền. Như vậy, họ sẽ giảm lỗ đến mức tối đa hơn là phải ngừng sản xuất, hoặc tìm kiếm kho bãi mới để tích trữ lượng dầu dư thừa trên mặt đất.

Các bộ trưởng dầu mỏ thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã họp trực tuyến vào ngày 21-4 để bàn thảo về việc giá dầu lao dốc xuống mức âm. Song, họ không đưa ra được biện pháp nào mới, ngoài việc nhắc lại cam kết giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nguồn cung của thế giới) kể từ đầu tháng 5 tới; các nước ngoài OPEC+ cũng cam kết giảm sản lượng 3,7 triệu thùng/ngày. Cam kết nói trên được đưa ra cách đây gần 2 tuần và sự thống nhất của OPEC+ được xem là thỏa thuận lịch sử nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ. Nhưng cú trượt dốc của giá dầu trong ngày 21-4 khiến OPEC+ nhận thấy rõ họ cũng phải chạy theo biến động của thị trường. 

Giữ chức Chủ tịch luân phiên của OPEC, Algeria đề xuất kế hoạch cắt giảm nguồn cung nên có hiệu lực ngay lập tức, thay vì chờ đến ngày 1-5. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy ý kiến của Algeria nhận được “cái gật đầu” của các thành viên chủ chốt thuộc OPEC. Phát biểu với hãng Bloomberg, ông Paolo Scaroni, cựu Giám đốc điều hành Công ty Dầu Eni SpA của Ý cho rằng, thỏa thuận của OPEC+ “quá muộn và quá ít”. Việc cắt giảm sản lượng  không đủ để bù đắp cho nhu cầu “vàng đen” đang giảm quá mạnh. Hơn nữa, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và là thành viên chủ chốt của OPEC - đã gia tăng sản lượng lên mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Việc Riyadh đồng ý cắt giảm 3,3 triệu thùng/ngày chỉ là hình thức tăng sản lượng rồi giảm đi 1/4 mà thôi.   

Còn Nga đang hoài nghi thỏa thuận OPEC+ là nguyên nhân khiến giá dầu tụt dốc kỷ lục. Nhưng chính cuộc chiến giành thị phần giữa Nga và Saudi Arabia kéo dài hơn một tháng cũng tác động đến giá dầu. Ở Nga, giá dầu xuất khẩu chuẩn Urals đã rơi xuống ngưỡng âm từ đầu tháng 4, đến giữa tháng 4 thì ở mức 19 USD/thùng. Đồng ruble theo đó cũng mất giá so với USD hay euro (hiện là 77 ruble/USD).

Hãng AP cho biết, ngày 21-4 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump yêu cầu chính phủ của ông đưa ra kế hoạch tài trợ cho các công ty dầu mỏ trong nước. Theo đó, chính phủ xem xét bổ sung 75 triệu thùng dầu vào kho dự trữ chiến lược quốc gia, nhưng ông Trump chỉ mua số lượng dầu này nếu được Quốc hội cho phép, hoặc chính phủ liên bang cho doanh nghiệp thuê miễn phí các kho chứa dầu.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.