Cái chết của ngành dầu mỏ Mỹ

.

Hầu hết các thành tố trong ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đã chịu số phận an bài, chuyên trang về ngành năng lượng Oilprice bình luận.

Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu sụp đổ, các kho chứa chất đầy dầu. Lựa chọn duy nhất còn lại đối với nhiều nhà sản xuất là đóng giếng. Điều đó đồng nghĩa với không có nguồn thu. Đa phần các công ty dầu mỏ đều có số nợ lớn, vì thế phá sản sẽ là bước tiếp theo. Trong một bài bình luận mới đây, chuyên gia Peggy Noonan viết rằng “đây là thảm họa kinh tế tệ hại chưa từng thấy. Lịch sử khó lặp lại”. Đó là một cách nhìn nhận bề ngoài.

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả. Dịch càng kéo dài, tương lai của ngành dầu khí sẽ không thể như trước. Đa phần người dân, giới hoạch định chính sách, các nhà kinh tế là những người ít am hiểu về năng lượng và vì thế không thể lượng định được đầy đủ mức độ hệ quả mà Covid-19 gây ra với ngành này.

Năng lượng là kinh tế và dầu mỏ là nhân tố, cấu thành quan trọng nhất của năng lượng. Tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ hiện ở mức thấp nhất kể từ năm 1971, thời điểm mà sản lượng khai thác toàn cầu chỉ bằng 78% so với năm 2019. Dầu giảm giá, kinh tế cũng suy giảm theo. Ngành dầu mỏ và năng lượng cũ đang chết. Sản lượng và giá dầu mỏ khó có thể trở lại ngưỡng năm 2018. Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiến triển chậm, đi cùng các nỗ lực giảm thiếu tác động biến đổi khí hậu.

Thực trạng tồi tệ

Nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020 trung bình đạt 20 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức bình quân của năm 2019. Ước tính này mới chỉ là khảo nghiệm, vì không thể biết đích xác cầu ở thời điểm hiện tại cao hay thấp hơn một hay hai quý tới. Đây là thời điểm bấp bênh, không chắc chắn, bởi lẽ không ai rõ các hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ trong bao lâu, cần bao thời gian để nền kinh tế hồi phục trở lại.

Nguồn cung dầu nhiều khả năng sẽ giảm mạnh. Đó là bởi các kho chứa dầu sẽ đầy, các công ty buộc phải đóng cửa sản xuất. Thế nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức cung sẽ tăng trở lại trong quý 3, bất chấp việc các doanh nghiệp mở cửa trở lại trong quý 2. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới đang trong giai đoạn suy thoái. Tỉ lệ thất nghiệp sẽ vẫn đứng ở mức cao, người tiêu dùng sẽ chịu tác động tiêu cực từ việc thu nhập giảm sút trong những tháng thực hiện cách ly.

Tiêu thụ dầu tại Mỹ đã giảm 30%, từ mức 20 triệu thùng/ngày trong tháng 1 xuống còn 14 triệu thùng/ngày trong tháng 4. Trong quý 1, số dầu các nhà máy lọc dầu nhập vào giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ còn giảm tiếp khi tiêu thụ giảm. Các nhà máy lọc dầu sẽ đóng cửa.

Thứ mà các trung tâm lọc dầu của Mỹ cần nhất lúc này là dầu nặng, mặt hàng phải nhập khẩu từ nước ngoài. Có rất ít chủng loại dầu của Mỹ đủ tiêu chuẩn để lọc ra dầu diesel mà không cần phải trộn lẫn dầu nhập khẩu. Đó là bởi dầu thô khai thác ở Mỹ quá nhẹ, không có các cấu trúc hữu cơ cần thiết để tạo ra dầu diesel.

Việc tái cấu trúc các cơ sở lọc dầu không thể thay đổi thực trạng này. Hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, vận chuyển hàng hóa và các hệ thống phân phối phụ thuộc vào dầu diesel. Đóng cửa các tổ hợp lọc dầu, sản lượng dầu diesel thấp đi, việc khai thác tài nguyên, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa sẽ chậm lại.

Để có được dầu diesel, trước hết phải chiết tách ra xăng. Nguồn xăng tại Mỹ luôn ở mức thặng dư kể từ năm 2014 và hiện lượng dư thừa ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cầu dầu diesel ít biến động hơn xăng do vai trò đặc biệt của nó trong hoạt động vận tải hạng nặng. Thật khó xử lý lượng xăng dư thừa khi các kho chứa đã đầy.

Những người cho rằng năng lượng tái tại là lựa chọn thời hậu Covid-19 sẽ phải nghĩ lại. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, người ta sẽ đổ dồn đến nguồn năng lượng giá rẻ nhất, hiệu quả nhất. Dầu vẫn sẽ là mặt hàng dư thừa, giá rẻ trong một thời gian dài. Ít nước có mong muốn hay đủ các nguồn lực tài chính để thay đổi hàng loạt các thiết bị mà năng lượng tái tạo đòi hỏi phải có.

Một cây xăng tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Một cây xăng tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Năng lượng là kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là mức phản chiếu tương xứng của tiêu thụ dầu. Đó là bởi dầu mỏ gắn với kinh tế. Mọi khía cạnh sản xuất và sử dụng, tiêu hao hàng hóa, dịch vụ đều cần đốt cháy năng lượng hóa thạch. Đã có một công trình nghiên cứu khái quát hóa rằng một thùng dầu là kết tinh của 4,5 năm lao động của một nhân công. Không một nguồn năng lượng nào có được mật độ năng lượng cao như dầu mỏ.

Dựa trên mức tiêu thụ dầu mỏ giảm, nhiều nhà phân tích dự đoán GDP của Mỹ trong năm 2020 sẽ giảm từ 20-25%, một biên độ được coi là thảm họa. Nhiều người cho rằng đây là viễn cảnh quá bi quan khi gắn kinh tế với dầu. Nhưng thị trường dầu mỏ không nghĩ vậy. Giá dầu kỳ hạn tháng 5 rơi xuống mức âm 37,63 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 21/4 gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc các nhà sản xuất dầu mỏ cần giảm sản lượng và tạm dừng khai thác.

Nhiều bộ phận cấu thành trong ngành dầu mỏ Mỹ sẽ phải được quốc hữu hóa trước năm nay. Giá dầu hiện ở mức quá thấp, giá bán không đủ để bù chi phí khai thác ngay cả trong trường hợp các kho chứa còn chỗ. Mỹ đã có hành động khờ dại khi khởi động khai thác dầu đá phiến hơn 10 năm trước đây. Đương nhiên, việc lý luận lấy khai thác trong nước để giảm bớt nhập khẩu dầu là có lý, nhưng khai thác quá mức lại là không phải là giải pháp hay. Điều này đặc biệt đúng trong thời điểm hiện nay, khi mà giá dầu rẻ sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Trò chơi dầu mỏ đã kết thúc. Giờ là lúc cần dồn mọi chú ý vào cứu vãn nền kinh tế.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.