Cân bằng giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng: Bài toán khó cho thế giới

.

Khi số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới vượt mốc 4 triệu người, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ bị tác động nặng nề hiện sẵn sàng mở cửa trở lại. Song, việc cân bằng giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng vẫn là bài toán khó.

Người sử dụng phương tiện công cộng ở thành phố Milan (Ý) tuân thủ quy định giãn cách.               Ảnh: AFP/Getty Images
Người sử dụng phương tiện công cộng ở thành phố Milan (Ý) tuân thủ quy định giãn cách. Ảnh: AFP/Getty Images

Tổng cộng 33,5 triệu người Mỹ thất nghiệp chỉ trong 7 tuần, con số đủ để cường quốc này choáng váng vì tác động của Covid-19. Thậm chí, theo AP, Bộ Lao động Mỹ cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 có thể lên đến gần 20%. Trong lúc đó, số ca nhiễm mới ở Mỹ vẫn không ngừng tăng, với hơn 25.600 ca được ghi nhận vào ngày 9-5, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,3 triệu người. Số ca tử vong mới là 1.600, nâng tổng số người chết lên gần 78.800.

Dù vậy, nhiều bang ở Mỹ vẫn mở cửa trở lại. Báo The Guardian cho rằng, hiện không có quốc gia nào mở cửa trong lúc số người chết tiếp tục tăng cao như Mỹ. Tuy nhiên, sức ép về kinh tế và cuộc đua vào Nhà Trắng buộc chính phủ của Tổng thống Donald Trump phải thúc đẩy mở cửa. Báo cáo của Viện Urban (Washington, D.C) cho thấy, dù nhận được trợ cấp của chính phủ nhưng hơn 30% số người trưởng thành ở Mỹ phải giảm chi tiêu cho lương thực.

Các cuộc biểu tình phản đối việc chính quyền bang đóng cửa quá lâu đã diễn ra ở Michigan hay một số bang khác. Song, theo kết quả thăm dò trong những ngày gần đây, đa số người dân Mỹ lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan hơn nữa nếu nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi cách phản ứng của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đối với Covid-19 hoàn toàn là “thảm họa hỗn độn”.

Tại Canada, trong tháng 3, nền kinh tế nước này mất hơn 1 triệu việc làm và GDP giảm 9%. Khoảng 10 triệu người Canada đang nhận trợ cấp từ gói ứng phó khẩn cấp của chính phủ. Thủ tướng Justin Trudeau chưa muốn mở cửa lại do lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai, mặc dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Canada có thể sụt giảm 6,2% trong năm 2020.

Trong khi đó, châu Âu kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến thứ hai trong bầu không khí ảm đạm. Nga thay lễ duyệt binh quy mô lớn trên Quảng trường Đỏ ở Moscow bằng phần trình diễn máy bay của lực lượng không quân khi người dân phải tuân thủ lệnh “ở nhà”. Các cuộc duyệt binh quy mô lớn trên khắp “lục địa già” cũng bị hủy bỏ. Ngày 9-5, Nga ghi nhận hơn 10.800 ca nhiễm mới và đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trên mốc 10.000 người/ngày. Với tổng cộng hơn 198.000 ca nhiễm và 1.800 ca tử vong, Nga là vùng dịch lớn thứ 5 thế giới.

Châu Âu đang trải qua cú sốc kinh tế chưa từng có kể từ Đại suy thoái”

Ủy viên Kinh tế của Ủy ban
châu Âu (EC) Paolo Gentiloni

Các nước châu Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha, Đức dẫn những tín hiệu lạc quan trong việc kiểm soát dịch bệnh và khẳng định họ có bước đi thận trọng nhằm đưa cuộc sống dần trở lại bình thường. Quyết định của chính phủ Pháp nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 11-5, vốn được áp dụng suốt 2 tháng qua, đang tạo ra những phản ứng khác nhau do người dân vẫn lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh. Điện Elysée khuyến cáo, dịch bệnh chưa được đánh bại nên cần tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, ngay cả khi nới lỏng phong tỏa. 

Ở Tây Ban Nha, chính phủ chia kế hoạch nới lỏng theo từng giai đoạn, kéo dài đến tháng 6. Theo đó, từ ngày 11-5, một nửa dân số được phép ra ngoài tiếp xúc xã hội ở mức hạn chế, các nhà hàng được cung cấp một số dịch vụ ngoài trời. Hai vùng tâm dịch là thủ đô Madrid và thành phố Barcelona không nằm trong giai đoạn 1 nới lỏng phong tỏa. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo, Covid-19 vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng khi có hơn 2.600 ca nhiễm mới vào ngày 9-5 nên người dân cần thận trọng, cảnh giác.

Bỉ cũng nới lỏng phong tỏa từ ngày 11-5. Tại một số khu vực của Đức, các bar, nhà hàng được mở cửa từ ngày 9-5 và các nhà chức trách dự kiến nới lỏng thêm vào ngày 11-5. Tuần trước, Ý dần mở cửa lại theo những quy tắc riêng của 20 vùng. Quốc gia Nam Âu này ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới và 194 ca tử vong trong ngày 9-5.

Hãng AFP cho rằng, tình hình ở châu Âu không thể nhanh chóng trở lại bình thường. Lệnh phong tỏa và “ở nhà” khiến tăng trưởng kinh tế của châu lục này có thể giảm 7,5% trong năm nay, mức giảm không đồng đều ở 19 thành viên thuộc khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). “Châu Âu đang trải qua cú sốc kinh tế chưa từng có kể từ Đại suy thoái”, Ủy viên Kinh tế của Ủy ban châu Âu (EC) Paolo Gentiloni nhận định. Cụ thể, nền kinh tế Đức sụt giảm 25% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, tức mất khoảng 15 tỷ euro mỗi tuần. Pháp cũng rơi vào suy thoái khi GDP giảm 5,8% trong quý 1 và có thể giảm 6% trong năm nay...

VĨNH AN
 

;
;
.
.
.
.
.