Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở

.

Ngày 21-5 (giờ Washington), Mỹ tuyên bố ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) sau khi cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này.

Báo The Guardian cho biết, Mỹ đã thông báo với các nước tham gia OST về ý định rút lui nói trên. Quá trình rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức diễn ra trong 6 tháng theo đúng quy định. “Tôi nghĩ rằng, chúng tôi có mối quan hệ tốt với Nga, nhưng Nga không tuân thủ hiệp ước. Vì thế, nếu họ không tuân thủ thì chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước này”, Tổng thống Donald Trump phát biểu với báo giới. Trong 6 tháng theo tiến trình, chính phủ Mỹ muốn bảo đảm rằng ngay cả khi ông Trump không tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, Mỹ cũng sẽ rời hiệp ước trước lúc ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng.

Theo AP, OST được ký vào tháng 3-1992, có hiệu lực từ năm 2002. Thỏa thuận cho phép 35 quốc gia thực hiện các chuyến bay giám sát không vũ trang trên không phận của nhau nhằm thu thập dữ liệu về lực lượng vũ trang và các hoạt động quân sự khác. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà Tổng thống Donald Trump hủy sự tham gia của Mỹ kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1-2017. Năm 2018, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1. Năm 2019, cường quốc hàng đầu thế giới rời hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký với Nga.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận việc Washington có thể xem xét rút khỏi OST và kêu gọi Nga tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận. Song, Moscow bác bỏ các cáo buộc của Washington. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, động thái của Mỹ là “cú đánh vào an ninh châu Âu và toàn cầu”, đồng thời khẳng định Moscow sẽ “làm mọi việc có thể để cứu vãn hiệp ước”. Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, nếu OST sụp đổ, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất là đồng minh của Mỹ chứ không phải Nga. Mỹ rút khỏi hiệp ước, Nga cũng có thể rút theo và điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của châu Âu. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức nhóm họp trong ngày 22-5 tại Brussels (Bỉ).

Hiện có những lo ngại về số phận của hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) được Mỹ và Nga ký kết năm 2010, hết hạn vào tháng 2-2021. New START cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hiệp ước này có thể được gia hạn thêm 5 năm nếu hai bên thống nhất.

Nga được cho là đang sở hữu khoảng 6.500 đầu đạn hạt nhân, con số này của Mỹ là gần 6.200.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.