'Đứng lên vì châu Âu'

.

Cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (546 tỷ USD) với thông điệp “Đứng lên vì châu Âu”, Thủ tướng Đức Angela Merkel vấp phải phản ứng gay gắt tại chính quốc gia của bà. 

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 18-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các nước bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất trong EU. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 18-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các nước bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất trong EU. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Emmanuel Macron hồi đầu tuần này, Thủ tướng Angela Merkel nói: “Đức và Pháp đang đứng lên vì châu Âu”. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có quỹ tái thiết trị giá 500 tỷ euro giai đoạn 2021-2027 nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19 nghiêm trọng nhất. Quỹ phục hồi này không dưới dạng các khoản cho vay mà là trợ cấp nên các nước thụ hưởng không phải hoàn trả.

Đức và Pháp là hai trong số các nền kinh tế mạnh nhất trong EU. Bất kỳ quyết sách nào quan trọng trong EU cũng cần cái gật đầu của Đức và Pháp. Với đề xuất nói trên của Berlin và Paris, tiền sẽ được EU vay chung với tư cách tập thể, đồng thời được Ủy ban châu Âu phân phối dưới hình thức tài trợ. Việc trả nợ sẽ là trách nhiệm tài chính của cả EU, chứ không riêng gì Ý hay Tây Ban Nha - các nước nam Âu đang loay hoay trong nợ công và dịch bệnh.

Trước đó, Đức và Hà Lan kiên quyết phản đối việc phát hành “trái phiếu Corona” (Coronabonds) theo đề xuất của các nước nam Âu. Berlin không muốn mang tiền của mình cho các nước khác chi tiêu. Vì vậy, việc nền kinh tế đầu tàu của châu Âu bất ngờ chấp nhận kế hoạch phục hồi dựa trên việc phát hành các khoản nợ chung được cho là “mang tính lịch sử”.

Tuy nhiên, báo The Telegraph cho hay, các đối tác trong chính liên minh của bà Merkel cảnh báo rằng, quỹ phục hồi không thể tạo ra tiền lệ cho việc vay chung của EU trong tương lai. Một số thành viên trong đảng của bà cũng bày tỏ phản đối kế hoạch nói trên. “Nếu các nước khác có ngân sách kém, họ không nên được cứu trợ từ tiền thuế của người Đức”, ông Mark Hauptmann, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel nói. Trong khi đó, người phát ngôn Florian Hahn của đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) nhấn mạnh: “Không thể có tiền lệ, điều này chỉ có thể được cho phép như biện pháp khẩn cấp một lần”.

Cũng theo báo The Telegraph, Đức đang chịu áp lực từ các nước khác trong EU về việc thành lập quỹ phục hồi theo kiểu “Coronabonds”. Bất đồng xung quanh vấn đề này và nếu Đức hay các nước giàu có không làm gì để giúp những nước thành viên khác sẽ đe dọa sự tồn tại của khối. Để tránh nguy cơ EU rạn nứt, Thủ tướng Merkel không còn sự lựa chọn nào khác. Song, nhiều người Đức phẫn nộ về việc phải trả tiền cho sự hoang phí của các quốc gia thành viên EU, trong khi chính họ cũng phải đối mặt với khủng hoảng Covid-19. “Vì sao chúng ta phải trả tiền cho hệ thống y tế quá tải và yếu kém của họ?”, Bild - tờ báo bán chạy nhất ở Đức đặt câu hỏi.

Theo hãng Reuters, đại dịch Covid-19 làm chệch hướng phục hồi của các nước có nợ công cao nhất trong EU. Nợ công của Ý hiện chiếm 170% GDP. Đối với Hy Lạp, sau nhiều năm “thắt lưng buộc bụng”, giờ đây sự sụp đổ của ngành công nghiệp du lịch đe dọa hàng triệu việc làm ở nước này.

Liên quan đến gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro mà Đức và Pháp đề xuất, ngày 21-5, 4 nước châu Âu (được gọi là “Bộ tứ căn cơ”) gồm Hà Lan, Áo, Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ đề xuất một giải pháp cứng rắn hơn. Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm một gói cứu trợ nhưng các nước nhận viện trợ phải thực hiện cải cách và bất kỳ sự hỗ trợ nào cũng theo hình thức cho vay chứ không phải khoản tài trợ không hoàn lại.

Hãng Reuters cho biết, kế hoạch dần mở lại biên giới nội khối vào mùa hè theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) không được các thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất. Các nước trong khu vực Schengen hiện mở cửa biên giới không đồng bộ nhau. Chẳng hạn, Pháp mở lại biên giới nội bộ EU từ ngày 15-6. Áo sẽ mở lại hoàn toàn biên giới với Czech, Slovakia và Hungary từ ngày 15-6. Ý tuyên bố mở lại biên giới và sân bay từ ngày 3-6…

Ông Gari Capelli, Bộ trưởng Du lịch Croatia, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho rằng, các quốc gia cần mở lại biên giới có trách nhiệm bằng cách ký kết các thỏa thuận song phương nhằm bảo đảm không xảy ra làn sóng thứ hai dịch bệnh. Đối với những nước vẫn đang ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng, cần thận trọng hơn và nên mở lại biên giới sau các nước khác.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.