Nghiên cứu vaccine Covid-19: Chạy đua với thời gian

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi việc thế giới nghiên cứu, phát triển và phân phối vaccine phòng chống Covid-19 là “cuộc đua với thời gian” khi đại dịch đã làm hơn 3,5 triệu người mắc và 251.000 người tử vong.

Các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của các tài xế ở Sanford, bang Florida (Mỹ). Ảnh: AP
Các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của các tài xế ở Sanford, bang Florida (Mỹ). Ảnh: AP

Liên minh châu Âu (EU) muốn gây quỹ 7,5 tỷ euro (khoảng 8,23 tỷ USD) cho hoạt động nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19. Chỉ trong vài giờ họp trực tuyến vào ngày 4-5, các nhà lãnh đạo thế giới (trong và ngoài EU) đã cam kết đóng góp 7,4 tỷ euro nhưng cảnh báo rằng đây chỉ là sự khởi đầu của nỗ lực lâu dài nhằm đánh bại Covid-19.

Hãng AP cho biết, lãnh đạo của các nước ngoài EU như Nhật Bản, Canada, Anh, Na Uy, Saudi Arabia đều tham dự cuộc họp trực tuyến và đóng góp quỹ. Trung Quốc cử Đại sứ tại EU tham dự. Mỹ vắng mặt trong khi cường quốc này có hơn 1,1 triệu người nhiễm và gần 69.000 người tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới nỗ lực nghiên cứu, phát triển, phân phối vaccine phòng chống Covid-19 với giá hợp lý để mọi người dân đều có thể tiếp cận được. Đề cập mục tiêu gây quỹ 7,5 tỷ euro, ông Guterres nhận định: “Để mọi người, mọi nơi tiếp cận được (vaccine), chúng ta có thể cần gấp 5 lần số tiền như thế” và con số cuối cùng sẽ lên đến gần 38 tỷ euro. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đồng quan điểm này khi cho rằng, vaccine không nên chỉ dành cho nước giàu có.

Chủ trì hội nghị, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh việc gây quỹ sẽ “khởi động sự hợp tác toàn cầu chưa từng có”. Bà Ursula von der Leyen tuyên bố EU cam kết ủng hộ 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD) cho quỹ. Dự kiến khoảng 40 quốc gia, Liên Hợp Quốc, các tổ chức từ thiện như quỹ “Bill and Melinda Gates” của vợ chồng tỷ phú Bill Gates và các viện nghiên cứu sẽ tham gia gây quỹ theo sáng kiến của EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, “một cuộc đua với thời gian” đang diễn ra và quốc gia châu Âu này đóng góp 500 triệu euro. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định: “Cuộc đua phát minh vaccine phòng chống Covid-19 không phải là cạnh tranh giữa các nước, mà là nỗ lực chung khẩn cấp nhất”.

Theo hãng AP, trong số các nước đóng góp lớn nhất có Na Uy, Nhật Bản và Đức. Na Uy góp 1 tỷ USD, xứ sở hoa anh đào góp hơn 800 triệu USD, nền kinh tế lớn nhất châu Âu góp 525 triệu euro. Ý và Tây Ban Nha, hai vùng tâm dịch lớn ở “lục địa già” - mỗi nước góp hơn 100 triệu euro. Thụy Sĩ, Hà Lan và Israel cũng cam kết ủng hộ quỹ lần lượt 378 triệu euro, 192 triệu euro và 60 triệu euro.

Hiện khoảng 100 nhóm nghiên cứu thúc đẩy việc phát triển vaccine Covid-19. Một vài loại vaccine tiềm năng được thử nghiệm lâm sàng và có 67 loại được thử nghiệm tiền lâm sàng. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 4, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland (Úc) đã thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine trên động vật và ghi nhận những dấu hiệu khả quan khi vật chủ nâng cao kháng thể, có khả năng vô hiệu hóa SARS-CoV-2. Chính phủ Úc còn cam kết ủng hộ 352 triệu AUD vào nỗ lực nghiên cứu vaccine Covid-19 của toàn cầu. Công ty công nghệ sinh học Takis của Ý cũng thử nghiệm thành công trên chuột kháng thể chống SARS-CoV-2 từ vaccine do hãng này nghiên cứu, mang đến hy vọng sớm điều chế thành công vaccine. Song, theo các nhà khoa học, chưa thể dự đoán liệu sẽ có vaccine an toàn hay không và loại vaccine nào có khả năng thành công nhất.

Bác sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, thành viên đội đặc nhiệm đối phó Covid-19 của Nhà Trắng vẫn khuyến cáo cần 12-18 tháng để phát triển vaccine. Còn Tổng thống Donald Trump bày tỏ lạc quan rằng, Mỹ sẽ có vaccine vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Mỹ đứng bên lề cuộc họp nói trên của EU.

Các nhà lãnh đạo lo ngại cách tiếp cận của Nhà Trắng theo chính sách “nước Mỹ trên hết” sẽ dẫn đến cuộc đua xuyên Đại Tây Dương phản tác dụng trong việc tìm ra vaccine. Dẫu vậy, các quan chức châu Âu vẫn kỳ vọng sau “giai đoạn khởi đầu này”, Washington sẽ góp mặt trong những nỗ lực chung, bởi “cuộc chiến tìm kiếm vaccine là kết quả của sự đoàn kết quốc gia, đoàn kết toàn cầu”, theo mô tả của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyeus.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.