Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, đại dịch Covid-19 còn lâu mới kết thúc và lo ngại về đợt bùng phát thứ hai. Trong lúc đó, nhiều nước công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, nghĩa là chấp nhận “sống chung” với dịch bệnh.
Những người lướt ván chờ đợi mở lại bãi biển Bondi ở Sydney (Úc). Ảnh: AP |
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 27-4 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng ta còn con đường dài phía trước và có nhiều việc phải làm”, đồng thời bày tỏ lo ngại đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai. “Đại dịch còn lâu mới chấm dứt. WHO tiếp tục quan ngại về xu hướng gia tăng số ca nhiễm và tử vong ở châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh cũng như một số quốc gia châu Á”, ông Tedros nói.
Hãng Reuters dẫn lời người đứng đầu WHO cho rằng, dịch bệnh đang tác động đến các dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt ảnh hưởng chương trình tiêm chủng đối với trẻ em để phòng ngừa các bệnh khác ở những nước nghèo nhất. Việc thiếu hụt vaccine tiêm chủng các bệnh khác xảy ra ở 21 quốc gia do lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa đất nước nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan. Hiện có ít nhất 14 chiến dịch tiêm chủng cho khoảng 13 triệu người bị hoãn lại và đáng lo ngại là số ca mắc sốt rét ở khu vực châu Phi cận Sahara có thể tăng gấp đôi.
Đến nay, thế giới có hơn 3 triệu người mắc Covid-19 và 211.000 người tử vong. Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp của WHO - ông Mike Ryan nhận định, nếu bùng phát làn sóng thứ hai của Covid-19, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn làn sóng thứ nhất. Tổng Giám đốc Tedros nói rằng, WHO chỉ có thể đưa ra khuyến cáo dựa trên chứng cứ và yếu tố khoa học, còn mỗi nước phải tự chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống Covid-19; hơn nữa, cơ quan y tế này không thể buộc các nước thực hiện theo khuyến cáo. Ngày 30-1, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế - PHEIC). Thời điểm đó chỉ có 82 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục (10 ca ở châu Âu), chưa có ca nhiễm ở Mỹ Latinh hay châu Phi. Vì vậy, khi đối mặt với những chỉ trích về phản ứng chậm, ông Tedros cho rằng, WHO không hề đánh giá thấp dịch bệnh như chỉ trích của Mỹ và một số nước khác.
Trong tổng số ca nhiễm toàn cầu, Mỹ chiếm 1/3 và cường quốc này hiện có hơn 56.000 người tử vong. TS. Chris Murray, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington dự đoán số ca tử vong ở Mỹ có thể lên đến 74.000. Các bang Georgia, Oklahoma cùng một số bang khác cho phép các doanh nghiệp mở cửa lại từ ngày 24-4 bất chấp sự không đồng tình của Tổng thống Donald Trump và các chuyên gia y tế. Thống đốc New York Andrew Cuomo cho hay, lệnh “ở nhà” sẽ có thể được kéo dài hơn ngày 15-5 ở một số khu vực thuộc bang này, nhưng nới lỏng các biện pháp hạn chế tại một số địa phương nếu đáp ứng các tiêu chí.
Nhiều nước châu Âu cũng đang từng bước nới lỏng biện pháp hạn chế đi lại hoặc phong tỏa để giảm thiệt hại về kinh tế. Ý - vùng tâm dịch lớn thứ ba thế giới với gần 200.000 người nhiễm và 27.000 người tử vong - cho phép mở cửa lại các công viên từ ngày 4-5. Bar, nhà hàng được mở lại từ ngày 4-5 nhưng chỉ bán thức ăn mang về. Ngày 1-6, các bar, nhà hàng, tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện… được hoạt động trở lại hoàn toàn. Các trường học được mở cửa từ tháng 9. Từ tuần tới, người Ý có thể tham gia các hoạt động ngoài trời, thăm người thân nhưng họ phải mang khẩu trang, không bắt tay và ôm hôn.
Trong khi đó, sau 6 tuần áp đặt lệnh phong tỏa, giới chức Tây Ban Nha xác nhận đang thúc đẩy các biện pháp nới lỏng. Quốc gia châu Âu này hiện có hơn 236.000 ca nhiễm và 23.500 ca tử vong. Tại Pháp, hầu hết hoạt động thương mại được nối lại từ ngày 11-5 nhưng nhà hàng và quán cà-phê tiếp tục đóng cửa. Từ tuần này, New Zealand cho người dân đi câu cá, lướt sóng, trượt tuyết... Khoảng 400.000 người ở New Zealand cũng trở lại làm việc. Na Uy cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 đến trường; các doanh nghiệp nhỏ, tiệm hớt tóc được mở cửa.
THIÊN BÌNH