Wall Street Journal: Việt Nam làm phẳng "đường cong Covid-19"

.

"Việt Nam là một trong số ít các nước đang làm phẳng được đường cong Covid-19, quốc gia hơn 95 triệu dân này chỉ có 270 ca mắc bệnh và không có người tử vong" - bài viết trên tờ Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ đánh giá cao hiệu quả chiến lược chống Covid-19.

Hướng dẫn người dân rửa tay tại trạm rửa tay dã chiến. Ảnh: TTXVN
Hướng dẫn người dân rửa tay tại trạm rửa tay dã chiến. Ảnh: TTXVN

Theo WSJ, tháng 1-2020, khi thế giới mới chỉ lờ mờ biết thông tin về một chủng virus chết người mới xuất hiện, Chính phủ Việt Nam đã xác định đây là cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Vài tháng sau, đã có hàng chục nghìn người được cách ly tại các cơ sở do nhà nước bảo trợ, một số làng xã được cô lập toàn bộ để ngăn chặn ổ dịch.

Trong 10 ngày trở lại đây, Việt Nam chỉ ghi nhận 2 ca mắc mới, là hai sinh viên mới từ Nhật Bản về nước. Cho đến nay, Việt Nam chưa có ca tử vong nào liên quan đến Covid-19 và phần lớn 270 bệnh nhân mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Các cửa hàng, quán ăn đã được mở cửa trở lại vào hôm 24-4 sau khi chính phủ nới lỏng quy định về hạn chế đi lại.

Dẫn lời Julien Brun, lãnh đạo công ty CEL có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên tư vấn cho các tập đoàn đa quốc gia về đầu tư tại thị trường mới nổi, bài viết nhận định biện pháp đối phó hiệu quả với dịch bệnh giúp Việt Nam tăng thêm sức hút, uy tín trước giới đầu tư, những nhà chế tạo quốc tế vốn trước đó đã xác định Việt Nam là điểm lựa chọn thay thế hàng đầu trong kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Tờ WSJ mô tả, không có được nguồn lực lớn như Singapore hay Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã tiến hành được 210.000 ca xét nghiệm. Con số này là khiêm tốn khi so sánh với quy mô dân số, nhưng đứng ở mức cao nếu đặt trong bối cảnh cấp độ bùng phát dịch. Việt Nam tiến hành hơn 780 ca mới xác định được 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, cao hơn con số của New Zealand hay Đài Loan/Trung Quốc.

Điểm then chốt nhất để ngăn chặn dịch bùng phát chính là quy trình phong tỏa chặt chẽ, đưa hàng chục nghìn người đi cách ly tại các doanh trại quân đội, ký túc xá các trường đại học và trung tâm do nhà nước quản lý. Khi một người được xác định là nhiễm Covid-19, những người tiếp xúc gần, kể cả số không có biểu hiện bệnh, sẽ được đưa đi cách ly tại bệnh viện, không được ở nhà để phòng lây bệnh sang các thành viên khác trong gia đình. Từ tháng trước, bất kì ai từ nước ngoài về nước đều phải tuân thủ chế độ cách ly trong 14 ngày.

Theo bài viết, đầu tháng 4, tại thời điểm Việt Nam ghi nhận 250 ca bệnh, có khoảng 45.000 người được cách ly tại các cơ sở của nhà nước. Nhưng hiện nay, số lượng này giảm xuống còn 11.000, cùng với số cách ly tại nhà khoảng 40.000 người. Quy trình chống dịch được dựa trên việc theo dõi tiếp xúc để xác định tất cả những người người có phơi nhiễm trước người dương tính với SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Việt Nam cho công bố công khai lịch trình di chuyển, hoạt động của người mắc bệnh trên website của bộ, các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội. Đơn cử là thông tin về những quán ăn mà người này từng đến và người này đã ở chợ trong vòng bao lâu. Những người cho rằng bản thân đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh được khuyến khích cần thông báo với các cơ quan chức năng.

WSJ cũng lưu ý đến việc Việt Nam chọn cách tiếp cận quyết liệt. Tháng trước, sau khi một số trường hợp nhiễm bệnh có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, bệnh viện này đã bị phong tỏa toàn bộ trong vòng 2 tuần. Khoảng 5.000 nhân viên bệnh viện và bệnh nhân cũng như hàng nghìn người từng tới thăm thân đều được lấy mẫu xét nghiệm. Ít nhất 45 trường hợp nhiễm bệnh có liên quan tới bệnh viện Bạch Mai và một công ty cung cấp thực phẩm cho bệnh viện này.

Khi giới chức Hà Nội phát hiện một người đàn ông từ ngoại ô Hà Nội tới bệnh viện và xét nghiệm dương tính, toàn bộ thôn người này sinh sống đã bị phong tỏa. Khoảng 11.000 người liên quan đã được xét nghiệm và 13 người trong số đó đã dương tính với Covid-19. Khu vực này vẫn đang tiếp tục bị phong tỏa.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.