Bán đảo Triều Tiên vẫn căng thẳng

.

Hàn Quốc tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ và không do dự nếu Triều Tiên tiếp tục có những hành động khiêu khích quân sự.

Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra ở đảo Yeonpyeong ngày 16-6. Ảnh: AP
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra ở đảo Yeonpyeong ngày 16-6. Ảnh: AP

Hãng Yonhap cho biết, ngày 18-6, phát biểu tại buổi tiệc trưa với các đại sứ của 22 nước từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nhấn mạnh, nếu Bình Nhưỡng vẫn có hành động khiêu khích quân sự, Seoul sẽ đáp trả mạnh mẽ và không do dự. “Chúng tôi sẽ giữ vững tư thế sẵn sàng phòng thủ trong khi giải quyết tình hình trên tinh thần bình tĩnh nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang thành một cuộc khủng hoảng quân sự”, hãng Yonhap dẫn lời ông Jeong Kyeong-doo nói.

Trong khi đó, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - ngày 18-6 cho rằng việc nổ văn phòng liên lạc chỉ là bước khởi đầu và nước này có thể có thêm hành động.

Phản ứng lại đối với việc phá hủy văn phòng liên lạc, Hàn Quốc triển khai xe tăng và các thiết bị hạng nặng đến khu vực biên giới, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu cần thiết. Sau hàng loạt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên kể từ đầu tháng 6 đến nay, Tổng thống Moon Jae-in giờ đây thể hiện sự sẵn sàng ngăn chặn bất kỳ động thái nào từ nước láng giềng. Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim You-geun phát biểu với báo giới: “Chúng tôi cảnh báo nghiêm khắc rằng, chúng tôi sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Triều Tiên hành động”. 

Chiều 17-6, binh lính của Triều Tiên xuất hiện ở các đồn trước đó bỏ trống ở bên trong khu vực phi quân sự (DMZ) thuộc biên giới liên Triều. Yonhap cho biết, Bình Nhưỡng có khoảng 150 đồn quân sự tại khu vực này, nhiều nơi bị bỏ trống sau thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều được ký vào tháng 9 năm ngoái. Sự hiện diện của binh lính Triều Tiên phù hợp với cảnh báo trước đó của Bình Nhưỡng rằng, nước này sẽ khôi phục các đồn gác bên trong DMZ và nối lại các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới với Hàn Quốc. Hãng AP nhận định, những diễn biến nói trên sẽ vô hiệu hóa các thỏa thuận năm 2018, vốn cấm hai miền có bất kỳ hành động thù địch nào với nhau.

Theo ông Kim Jun-rak, người phát ngôn của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên bắt đầu thực hiện những lời đe dọa. Tuy nhiên, phía Seoul sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Trong khi đó, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định, chính phủ vẫn cam kết ngăn chặn hoạt động phát tán truyền đơn có nội dung chống phá Bình Nhưỡng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đang gây áp lực với Hàn Quốc và cả với Mỹ. Chính sách ngoại giao hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington hầu như không có tiến triển trong hơn một năm qua. Chỉ tính riêng năm 2019, Triều Tiên đã thực hiện 14 vụ phóng tên lửa, và trong 4 tháng đầu năm nay có 5 vụ. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thêm một năm vì “mối đe dọa bất thường” từ phía Bình Nhưỡng. Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ muốn duy trì “tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Triều Tiên”, được công bố lần đầu tiên vào ngày 26-6-2008 thông qua Sắc lệnh 13466.

Theo luật pháp Mỹ, tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến Triều Tiên sẽ tự động chấm dứt nếu Tổng thống không gia hạn lại trong vòng 90 ngày, trước ngày 26-6 hằng năm. Trong lúc Bình Nhưỡng dường như đang muốn thúc đẩy sự nhượng bộ từ Washington để ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa, một hành động dù theo “thường lệ” của Tổng thống Mỹ như thế vẫn có thể phủ bóng lên triển vọng nối lại đối thoại, đồng thời làm mối quan hệ Mỹ - Triều càng bế tắc. Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn là điều xa vời.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.