Nước Mỹ 'nóng' vì tình trạng bất ổn

.

Trên khắp nước Mỹ, từ New York, Tulsa đến Los Angeles dấy lên làn sóng biểu tình nhằm đòi quyền lợi cho người da màu. Trong lúc chưa vượt qua đại dịch Covid-19, nước Mỹ giờ đây bắt đầu một mùa hè nóng của tình trạng bất ổn.

Các cuộc biểu tình được khơi mào ở Minneapolis (bang Minnesota) với khẩu hiệu “Tôi không thở được”. Ảnh: AP
Các cuộc biểu tình được khơi mào ở Minneapolis (bang Minnesota) với khẩu hiệu “Tôi không thở được”. Ảnh: AP

Các cuộc biểu tình được khơi mào ở Minneapolis (bang Minnesota) sau cái chết của người đàn ông da màu tên George Floyd. Ông Floyd bị một cảnh sát da trắng Derek Chauvin kẹp đầu gối vào cổ khoảng 8 phút. Khi cận kề cái chết, Floyd kêu thảm thiết rằng, ông không thể thở được và sau đó đã qua đời tại bệnh viện. Derek Chauvin bị bắt và buộc tội giết người cấp độ 3, có thể nhận mức án 25 năm tù. Ba cảnh sát khác liên quan đến vụ việc đã bị sa thải và dự kiến sẽ bị buộc tội.

Báo New York Times cho biết, hàng chục ngàn người đổ xuống đường phố trên khắp nước Mỹ với khẩu hiệu “Tôi không thở được”, bày tỏ sự tức giận, thách thức phản ứng của Tổng thống Donald Trump và những người ủng hộ phong trào “Coi trọng mạng sống của cảnh sát Mỹ” (Blue Lives Matter). Một số cuộc biểu tình diễn ra trong không khí ôn hòa; một số khác chìm trong bạo lực với hành động đốt ô-tô, đốt trụ sở cảnh sát, xung đột với lực lượng an ninh...

Hàng chục thành phố như Minneapolis, Atlanta, Seattle, Los Angeles, Columbus áp đặt lệnh giới nghiêm. Các thống đốc bang Minnesota, Georgia, Ohio, Kentucky và cả thủ đô Washington huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia để ổn định tình hình.

Nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang, cũng không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Điều này khiến các chuyên gia y tế lo ngại về nguy cơ SARS-CoV-2 lây lan và những đám đông biểu tình sẽ thành các “ổ dịch” mới, trong lúc nước Mỹ đang dần mở cửa trở lại và số ca nhiễm vẫn không ngừng gia tăng. Bà Keisha Lance Bottoms - Thị trưởng Atlanta, một trong những thành phố diễn ra biểu tình rầm rộ nhất, gửi thông điệp đến dòng người xuống đường rằng: “Nếu bạn tham gia biểu tình đêm qua, bạn có lẽ cần được xét nghiệm Covid-19”.

Hãng AP dẫn lời Spence Ingram (25 tuổi), một người biểu tỉnh da màu ở Atlanta cho biết, cô không có sự lựa chọn nào khác sau cái chết của Floyd. “Thật không tốt khi giữa đại dịch mà chúng ta phải ra ngoài đường như thế này, bất chấp những rủi ro. Nhưng tôi phải bảo vệ cuộc sống của mình và đấu tranh vì cuộc sống của mình ở mọi thời điểm”, cô Ingram nói.

Trong khi đó, Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey thậm chí mô tả thành phố đang đối mặt cùng lúc 2 cuộc khủng hoảng, tức Covid-19 và bạo lực. Thống đốc Tim Walz của bang Minnesota cho biết, có quá nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang, cũng không thực hiện giãn cách xã hội. Tuần trước, ngày 28-5, bang Minnesota có 35 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất trong ngày; ngày 28-5 có 29 ca.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói rằng, ông đứng về phía người biểu tình, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất công. Ông cho rằng, sự việc liên quan George Floyd không phải là một vụ việc đơn lẻ, mà “một loạt trường hợp như vậy đã xảy ra trong nhiều thập niên qua”.

Tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump khẳng định, chính phủ của ông sẽ chấm dứt “đám đông bạo lực”. “Đám đông đang tàn phá cuộc sống và phá hủy giấc mơ của những người tốt. Sẽ không có tình trạng hỗn loạn.

Nền văn minh phải được trân trọng và bảo vệ. Tiếng nói của những công dân tuân thủ pháp luật phải được lắng nghe”, ông Trump nói. Người đứng đầu Nhà Trắng mô tả cái chết của ông Floyd là “thảm kịch nghiêm trọng”, là “rất tồi tệ” và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp William Barr điều tra.
Làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đang đặt Tổng thống Trump vào thế khó. Nhà lãnh đạo Mỹ bị chỉ trích vì đã im lặng trong các vụ việc giết hại người da màu, như anh Stephon Clark bị cảnh sát Sacramento (bang California) bắn nhầm vào năm 2018.

Giờ đây, Tổng thống Trump tuy bày tỏ “thấu hiểu nỗi đau và thương tổn”, nhưng ông gọi những người biểu tình là “những kẻ cướp bóc, vô chính phủ”, đồng thời đe dọa sẽ “mạnh tay”. Thăm dò mới nhất do hãng Fox News thực hiện cho thấy, chỉ 14% số người Mỹ gốc Phi sẽ bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới. Có đến 75% số người Mỹ gốc Phi sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden - người đang kêu gọi “cùng nhau đứng lên với tất cả cộng đồng thiểu số và cùng nhau trở thành một nước Mỹ”.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.