Nước Mỹ thành 'vùng chiến sự'

.

Việc ông George Floyd, người da màu bị cảnh sát giết chết trong tình trạng không có vũ khí tại thành phố Minneapolis, thuộc bang Minnesota khơi mào cho làn sóng biểu tình chưa từng có kể từ năm 1968 đến nay ở Mỹ. Biểu tình đang làm chao đảo cường quốc này trong lúc có gần 1,8 triệu ca nhiễm và hơn 104.000 ca tử vong vì Covid-19.

Những người biểu tình đốt ô-tô, đập phá đồ đạc, tạo ra cảnh hỗn loạn trong lúc xảy ra Covid-19.  Ảnh: AP
Những người biểu tình đốt ô-tô, đập phá đồ đạc, tạo ra cảnh hỗn loạn trong lúc xảy ra Covid-19. Ảnh: AP

Đã 6 ngày trôi qua, sức nóng của phong trào “Coi trọng mạng sống của người da màu” (Black Lives Matter) vẫn chưa “hạ nhiệt”. Từ năm 1968 đến nay, chưa bao giờ lệnh giới nghiêm lại được áp đặt gần như đồng thời ở khoảng 40 thành phố của Mỹ, nhưng mọi người dường như phớt lờ lệnh này. Cảnh sát và người biểu tình vẫn đụng độ ở New York, Chicago, Philadelphia, Los Angeles… Cảnh sát phải dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông, nhưng xe của họ bị đốt cháy, đập phá. Tình trạng cướp bóc xảy ra ở các cửa hàng tại một số thành phố. Một số người đã chết vì bạo lực liên quan đến biểu tình. Nước Mỹ hỗn loạn chẳng khác gì “vùng chiến sự”.

Khoảng 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 bang, gồm cả thủ đô Washington, D.C và khoảng 2.000 binh sĩ đang trong tình trạng sẵn sàng trực chiến. Những người biểu tình tiếp tục vây bên ngoài Nhà Trắng sau khi khiến Tổng thống Donald Trump phải xuống hầm trú ẩn hơn 1 tiếng đồng hồ ngày 29-5 (giờ Mỹ). Theo hãng AP, trong 6 ngày biểu tình qua, ít nhất 4.100 người đã bị bắt giữ. Những người bị bắt do có hành động cướp bóc, chặn đường cao tốc, vi phạm lệnh giới nghiêm…
Tại bang New York, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 350 người biểu tình. Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio nói rằng các nhà chức trách đang điều tra về hành vi của cảnh sát, trong đó có các đoạn video cho thấy hình ảnh xe cảnh sát lao vào đám đông người biểu tình đang ném gạch, đá ở quận Brooklyn.

Tại thành phố Denver, thuộc bang Colorado, hàng ngàn người biểu tình hòa bình bằng cách nằm úp mặt xuống đất, hai cánh tay đưa ra sau lưng và nói: “Tôi không thể thở”, hàm ý nhắc lại câu nói của Floyd trước lúc chết.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình quy mô lớn cũng diễn ra tại các thành phố Atlanta, Boston, Miami và Oklahoma. Người ta so sánh vụ việc lần này với vụ ngày 4-4-1968, thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát, khiến biểu tình nổ ra tại ít nhất 140 thành phố của Mỹ và nhiều thị trưởng phải ban hành lệnh giới nghiêm. Vụ ám sát đã làm bùng lên làn sóng biểu tình phản đối tại hơn 100 thành phố trên toàn nước Mỹ. Sự kiện lúc đó còn được biết tới với tên gọi “Cuộc nổi dậy tuần thánh” (Holy Week Uprising).

Lần này là cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd và biểu tình bùng phát ở 75 thành phố của Mỹ. Đường phố vốn chỉ vài ngày trước đó còn vắng vẻ do Covid-19, nay đông đúc người vai kề vai với các biểu ngữ, khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc, bất chấp dịch bệnh. Hãng CNN dẫn lời Thống đốc New York Andrew Cuomo nói rằng, mọi người có quyền biểu tình, thậm chí trong lúc xảy ra đại dịch và họ cũng có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân cũng như những người khác.

Viên cảnh sát da trắng tên Derek Chauvin (44 tuổi), người đã kẹp cổ George Floyd, dự kiến ra tòa vào tối 1-6 (giờ Minneapolis), nhưng phiên tòa sẽ hoãn đến ngày 8-6. Ông Chauvin đang bị giam giữ.
Phong trào “Coi trọng mạng sống của người da màu” (Black Lives Matter) đang dấy lên không chỉ khắp nước Mỹ mà còn lan ra Anh, Đức, Đan Mạch, New Zealand, Canada, Brazil... nhằm đòi công lý và bảo vệ người da màu. Thông điệp biểu tình dù ở Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh đều giống nhau: Hãy ngừng tình trạng bạo lực của cảnh sát nhắm chủ yếu vào cộng đồng người da màu ở Mỹ; hãy coi trọng mạng sống của người da màu (Black Lives Matter)!

Tháng 7-2014, ông Eric Garner (43 tuổi) bị cảnh sát New York bắt giữ vì tội bán thuốc lá bất hợp pháp. Một cảnh sát da trắng đã khóa cổ ông Garner. Khi đó, ông Garner thều thào “Tôi không thở được” và rồi gục xuống. Cơ quan pháp y New York xác định đây là vụ giết người, nhưng viên sĩ quan khóa cổ ông Garner không bị truy tố.

Tháng 8-2014, thanh niên da đen 18 tuổi Michael Brown, ở thành phố Ferguson, bang Missouri, bị cảnh sát bắn chết. Những vụ việc này làm dấy lên làn sóng biểu tình dữ dội ở Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích