Thế giới có gần 9 triệu ca mắc Covid-19

.

Hãng CNN dẫn thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, thế giới hiện có hơn 8,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có gần 464.000 ca tử vong.

Dẫn đầu vẫn là Mỹ với ít nhất 2,2 triệu ca nhiễm và 119.000 ca tử vong. Ngày 20-6, Mỹ ghi nhận thêm 33.700 ca nhiễm mới và 607 ca tử vong. Cường quốc hàng đầu thế giới vẫn đang dần mở cửa mặc dù có đến 20 bang thông báo các ca nhiễm gia tăng. Chẳng hạn, bang Florida ghi nhận thêm hơn 4.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, mức cao kỷ lục mới trong một ngày.

Các nhà chức trách Bắc Kinh tiếp tục thực hiện xét nghiệm Covid-19 để ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: CNN
Các nhà chức trách Bắc Kinh tiếp tục thực hiện xét nghiệm Covid-19 để ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: CNN

Song, Tổng thống Donald Trump khẳng định đã đến lúc phải mở cửa và trở lại công việc. Trong bài phát biểu tại chiến dịch tranh cử đầu tiên ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma đêm 20-6 (trưa 21-6, giờ Việt Nam), ông Trump nói rằng, các quan chức Mỹ cần giảm quy mô xét nghiệm Covid-19 bởi việc xét nghiệm rộng như vậy sẽ làm gia tăng số ca nhiễm. Song, nhiều người tham gia tuần hành ở Tulsa không đeo khẩu trang, bất chấp cảnh báo nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ hai”. Trong khi đó, đội ngũ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Joe Biden chỉ trích Tổng thống Trump đặt chính trị lên trên sự an toàn và sức khỏe của người dân Mỹ.

Vùng dịch lớn thứ hai là Brazil với hơn 1 triệu ca nhiễm và gần 50.000 ca tử vong. Hãng AFP cho hay, khu vực Mỹ Latinh và Caribe có tổng cộng hơn 2 triệu ca nhiễm.

Ở châu Á, theo AP, Trung Quốc và Hàn Quốc ngày 21-6 đều thông báo số ca nhiễm mới. Cụ thể, Trung Quốc ghi nhận thêm 25 ca, trong đó 22 ca ở Bắc Kinh và 3 ca ở tỉnh Hà Bắc liên quan đến các trường hợp ở thủ đô. Các nhà chức trách đã xét nghiệm đối với 2,3 triệu người nhằm ngăn chặn virus lây lan sau khi bùng phát tại chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài hôm 11-6.

Tại Hàn Quốc, các nhà chức trách ghi nhận 48 ca nhiễm mới, trong đó một nửa ở thủ đô Seoul, 10 ca ở thành phố Daejong. Điều này cho thấy virus đang lan rộng khi nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang “kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày”.  

Tại Úc, Bộ trưởng Y tế bang Victoria Jenny Mikakos cho hay, trong những ngày vừa qua, số ca nhiễm Covid-19 tại bang đều tăng ở mức hai con số, Riêng sáng 21-6, số ca bệnh mới được ghi nhận là 19. Chính quyền bang kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 4 tuần, tức đến ngày 19-7; đồng thời yêu cầu không được tụ tập quá 10 người.

Đối với châu Âu, theo hãng AFP, “lục địa già” đến nay ghi nhận tổng cộng hơn 2,5 triệu ca nhiễm. Mặc dù tình hình dịch bệnh đang tiến triển chậm lại nhưng châu Âu là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngày 21-6, Tây Ban Nha mở cửa biên giới đối với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp du lịch. Ở Pháp, hàng triệu học sinh sẽ trở lại trường học từ ngày 22-6 sau 3 tháng nghỉ; các rạp chiếu phim, sân vận động cũng mở cửa từ ngày 22-6.

Trong khi đó, cuối tuần qua, Đức phát hiện những ổ dịch mới với hơn 1.000 ca nhiễm ở nhà máy Tonnies - nhà máy giết mổ thịt lớn nhất châu Âu, đóng tại quận Gütersloh, thuộc bang North Rhine-Westfalen. Chính quyền North Rhine-Westfalen mô tả việc lây nhiễm là “lớn nhất và chưa từng có ở bang”, đồng thời không loại trừ khả năng phong tỏa trở lại khu vực này. Số ca nhiễm có thể gia tăng khi có thêm hơn 5.300 nhân viên của Tonnies được xét nghiệm.

THIÊN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.