Khi Brazil ghi nhận gần 1,7 triệu ca mắc Covid-19 với 70.000 người chết, tính đến ngày 7-7, Tổng thống Jair Bolsonaro cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả này trái ngược với tuyên bố trước đó của ông rằng, “người Brazil không nhiễm gì… Chúng ta có kháng thể để ngăn chặn virus lây lan”.
Tổng thống Jair Bolsonaro từng phản đối việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: AP |
Brazil hiện là quốc gia có số ca bệnh Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Còn Tổng thống Bolsonaro nổi tiếng trong thời gian qua vì thường xuyên đánh giá thấp nguy cơ của Covid-19. Con đường biến Brazil thành tâm dịch thế giới có “dấu ấn” của ông.
Hãng Reuters cho biết, ca nhiễm đầu tiên ở Brazil được ghi nhận vào ngày 26-2. Bệnh nhân là một người đàn ông từ Ý trở về Sao Paulo. Một tháng sau, Brazil có khoảng 3.000 ca nhiễm và 77 ca tử vong. Song, ông Bolsonaro nói rằng, Covid-19 chỉ là “cúm nhẹ” và người Brazil có hệ miễn dịch đủ mạnh để kháng lại SARS-CoV-2. “Người Brazil không nhiễm gì… Chúng ta có kháng thể để ngăn chặn virus lây lan”, ông Bolsonaro phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Brasilia ngày 26-3.
Theo AFP, ngày 8-4, Brazil ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 800 ca tử vong. Thế nhưng, Tổng thống Bolsonaro vẫn ôm những người ủng hộ tại một tiệm bánh địa phương và bày tỏ quan điểm rằng giãn cách xã hội hay phong tỏa là lợi bất cập hại, chỉ làm kinh tế của Brazil rơi vào tình trạng suy thoái mà thôi.
Ông Bolsanaro cách chức Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta chỉ vì quan chức này đề xuất đóng cửa các trường học và doanh nghiệp. Cuối tháng 4, khi có mặt trong dòng người biểu tình phản đối lệnh cách ly ở thủ đô Brasilia, Tổng thống Brazil không đeo khẩu trang và bắt tay những người ủng hộ.
Nhiều tháng qua, ông Bolsonaro vận động các thống đốc bang dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, đồng thời yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế, dù số ca nhiễm ngày càng gia tăng. Hồi tháng 5, tại Sao Paulo - thành phố lớn nhất và tâm dịch nghiêm trọng nhất ở Brazil, đại dịch tuy chưa lên tới đỉnh nhưng hệ thống y tế quá tải. Bệnh viện Emilio Ribas không đủ giường, nhân viên y tế chết vì virus. Song, điều mà Tổng thống Bolsonaro quan tâm nhất là nền kinh tế của Brazil.
Mới đây, ngày 4-7, theo đài NPR, ông Bolsanaro phủ quyết một phần nội dung của dự luật quốc gia mới quy định người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, bao gồm trên các phương tiện đi lại, các trung tâm thương mại, tôn giáo và một số không gian mở khác.
Ngày 7-7, Tổng thống Bolsonaro đeo khẩu trang và công bố kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Nhà lãnh đạo Brazil cho biết, ông đã nhiều lần làm xét nghiệm và tất cả những lần xét nghiệm trước ngày 7-7 đều cho kết quả âm tính. Hồi tháng 3, sau chuyến công du tới bang Florida (Mỹ) gặp Tổng thống Donald Trump, nhiều thành viên trong đoàn công tác cùng Tổng thống Brazil đã dương tính với SARS-CoV-2, nhưng ông Bolsonaro vẫn an toàn khi đó.
Song, xuất hiện trước công chúng vào ngày 7-7, một lần nữa ông Bolsonaro kêu gọi người dân Brazil không nên lo lắng về khủng hoảng dịch bệnh, bất chấp thực tế dịch đang lan rộng. “Không có gì phải sợ. Đó là cuộc sống”, hãng AP dẫn lời Tổng thống 65 tuổi nói. “Việc tôi bị nhiễm bệnh cho thấy tôi cũng là con người giống như bất kỳ ai khác”, ông nói với báo giới. Nhà lãnh đạo này còn tháo khẩu trang, giơ ngón cái thể hiện sự tự tin vào tình trạng sức khỏe của bản thân.
Với gần 1,7 triệu ca mắc Covid-19, tình hình dịch bệnh ở Brazil rất căng thẳng. Giới nghiên cứu Brazil tin rằng, số ca nhiễm thực tế ở nước này cao hơn rất nhiều so với thống kê chính thức. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo, số ca nhiễm thực tế tại Brazil có thể cao hơn nhiều so với số liệu mà quốc gia Nam Mỹ này công bố. Lúc đó, ông Bolsonaro phản ứng gay gắt, chỉ trích WHO đang tìm cách đẩy Brazil vào khủng hoảng kinh tế, thậm chí dọa rút quốc gia lớn nhất Nam Mỹ ra khỏi tổ chức này.
Mỹ chính thức rút khỏi WHO Hãng AP cho biết, bằng việc gửi thông báo tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres vào ngày 6-7, Mỹ chính thức rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong lúc Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ nói rằng, nước này sẽ có thời gian 1 năm để hoàn tất các thủ tục, nghĩa là việc Washington rời WHO bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6-7-2021. Trong khi đó, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden cam kết sẽ đưa Mỹ gia nhập WHO trở lại nếu ông đắc cử. Theo hãng CNN, ngày 7-7, Mỹ ghi nhận thêm hơn 60.000 ca mắc Covid-19 và 1.195 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm mới kỷ lục trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ. Trong đó, hai bang Texas và California đều ghi nhận số ca mắc bệnh trên 10.000, mức cao nhất trong một ngày. |
PHÚC LUÂN