Việc Iran yêu cầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) phát lệnh truy nã đỏ đối với Tổng thống Donald Trump và 35 quan chức trong chính phủ Mỹ báo hiệu căng thẳng leo thang, khó chấm dứt giữa Washington và Tehran.
Cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani hồi tháng 1-2020 làm dấy lên làn sóng biểu tình trên khắp Iran nhằm phản đối hành động của Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Lý do được Iran đưa ra là Tổng thống Donald Trump và 35 quan chức Mỹ liên quan vụ không kích hạ sát Thiếu tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, vào ngày 3-1 vừa qua ở gần sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.
Hãng AFP dẫn lời ông Ali Qasi Mehr - Công tố viên Tehran cho biết, nếu chưa đủ điều kiện để tiến hành vụ bắt giữ vào lúc này, Iran tiếp tục theo đuổi vụ việc, thậm chí cho tới khi ông ấy (Tổng thống Donlad Trump) kết thúc nhiệm kỳ và trở thành một công dân bình thường.
Hãng tin AP cho hay, Interpol đã từ chối đề nghị của Iran vì không phù hợp với quy tắc hoạt động của tổ chức này. Theo Điều 3 của Hiến chương, Interpol không được thực hiện bất kỳ sự can thiệp hoặc hành động nào mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc.
Tổ chức Cảnh sát có trụ sở ở thành phố Lyon của Pháp này chỉ hoạt động với vai trò cơ quan liên lạc giữa các tổ chức thực thi pháp luật ở các quốc gia thành viên, giúp họ hợp tác với nhau trong việc giải quyết các vụ án và bắt giữ các nghi phạm chạy trốn pháp luật. Khi nhận yêu cầu ban hành lệnh truy nã đỏ, Interpol sẽ triệu tập ủy ban của mình và thảo luận về quyết định chia sẻ thông tin với các quốc gia thành viên. Interpol không có nhiệm vụ phải công khai các lệnh truy nã này.
Hãng AFP cũng dẫn lời ông Brian Hook, đại diện Mỹ về Iran, khẳng định Interpol sẽ không can thiệp và phát lệnh truy nã đỏ mang tính chính trị. “Điều này không liên quan đến an ninh quốc gia, hòa bình thế giới hay thúc đẩy ổn định. Đó là màn kịch tuyên truyền mà không ai coi trọng”, ông Hook nói về việc Iran đưa ra yêu cầu đối với Interpol.
Sau cái chết của Tướng Soleimani, Mỹ nói rằng vụ hạ sát là hợp lý bởi ông này đứng sau kế hoạch tấn công nhằm vào lính Mỹ. Trong khi đó, Iran xem vụ ám sát tướng của họ là “hành động khủng bố Nhà nước” và phóng tên lửa trả đũa vào hai căn cứ không quân Mỹ tại Iraq. Song, Tổng thống Trump lựa chọn không đáp trả bằng quân sự.
Theo ông Sina Azodi, chuyên gia tại Hội đồng Atlantic ở Washington, Mỹ hiện vẫn chưa cung cấp bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Tướng Soleimani đang chuẩn bị “một vụ tấn công tiềm tàng” và hạ sát ông là sự lựa chọn duy nhất của Mỹ.
Theo AP, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran càng thêm căng thẳng kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký cùng nhóm P5+1 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), đồng thời tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Mỹ đang kêu gọi gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Iran để tránh việc Tehran tăng cường vũ trang cho các lực lượng ủy nhiệm và gây bất ổn cho khu vực.
Trong khi đó, Đại sứ Iran Majid Ravanchi bày tỏ tin tưởng rằng LHQ sẽ không thông qua nghị quyết mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran. Theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ, lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Iran Mohammed Javad Zarif dự kiến có các bài phát biểu liên tiếp nhau tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 30-6 (sáng 1-7, giờ Việt Nam) về việc thực thi JCPOA. 5 quốc gia tham gia JCPOA bao gồm: Nga, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết theo đuổi thỏa thuận. 5 nước này nói rằng, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ tiếp tục kiểm tra và ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các nhà quan sát nhận định, chỉ riêng vụ ám sát Tướng Soleimani đủ khiến quan hệ giữa Mỹ và Iran căng thẳng. Nay thêm việc Iran muốn bắt giữ Tổng thống Trump và Mỹ kêu gọi gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Tehran, thì xem như đặt dấu chấm hết cho hòa bình giữa hai nước.
PHÚC NGUYÊN