Ít doanh nghiệp muốn rời Trung Quốc để chuyển sang nước khác

.

Theo hãng AP, Mỹ, Nhật Bản và Pháp đang kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất (điện thoại thông minh, thuốc…) giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Covid-19 và cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc cho thấy, nếu phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, các công ty toàn cầu sẽ dễ gặp tổn thất lớn trong trường hợp thảm họa hay xung đột chính trị.

Trong gói hỗ trợ hồi phục kinh tế được công bố hồi tháng 4, chính phủ Nhật Bản dành 220 tỷ yen (2 tỷ USD) cho các công ty chuyển nhà máy sản xuất từ các nước khác sang Nhật Bản và 23,5 tỷ yen (220 triệu USD) cho các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc chuyển nhà máy sang các nước khác. Tháng 5, chính phủ Mỹ trao hợp đồng trị giá 812 triệu USD thời hạn 10 năm cho Phlow Corp (bang Virginia) để sản xuất các nguyên liệu thành phần của thuốc nhằm chống lại tình trạng thiếu thuốc.

Tại châu Âu, công ty dược phẩm đa quốc gia Sanofi SA (Pháp) đang thiết lập một nhà cung cấp thành phần hoạt chất (API) để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc. Mục tiêu của Sanofi là trở thành nhà sản xuất thuốc số 2 toàn cầu, với doanh thu hằng năm 1 tỷ Euro vào năm 2022. Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia cũng đã công bố kế hoạch tăng sản xuất nguyên liệu dược phẩm của mình.

Song thực tế, ngay cả khi Covid-19 làm “trật bánh” thương mại thế giới, rất ít doanh nghiệp muốn bỏ nhà máy tại Trung Quốc để chuyển sang các nước khác, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế, ô-tô, các mặt hàng giá trị cao...

Các nhà máy Trung Quốc hiện lắp ráp hầu hết điện thoại thông minh và thiết bị điện tử tiêu dùng của thế giới, đồng thời lắp ráp ngày càng nhiều thiết bị y tế, robot công nghiệp và các mặt hàng công nghệ cao khác. Trung Quốc cũng là nhà cung cấp chính vitamin C, các thành phần cho thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có cảng biển, hệ thống đường sắt, mạng viễn thông và nhiều cơ sở hạ tầng được xem là tốt nhất toàn cầu.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp gắn bó với Trung Quốc còn bởi thị trường 1,3 tỷ dân của nước này. Thay vì sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất “tại địa phương cho người địa phương”. Việc di chuyển các nhà máy hoặc tìm các nhà cung cấp không phải Trung Quốc đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn (để huấn luyện nhân công, tìm nhà cung cấp mới…) hoặc đối mặt với nguy cơ mất quan hệ khách hàng.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.