Mỹ vừa công bố kế hoạch rút 11.900 binh sĩ khỏi Đức nhưng vẫn duy trì gần 6.000 binh sĩ tại các nước khác ở châu Âu. Đến lúc này, Tổng thống Donald Trump thể hiện rõ sự không hài lòng về việc Đức không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, thuộc vùng Nouvelle-Aquitaine của nước Pháp năm 2019. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 29-7 thông báo sẽ giảm 11.900 binh sĩ nước này đồn trú tại Đức, điều chuyển lực lượng sang Ý và Bỉ, nghĩa là gần 6.000 binh sĩ vẫn ở lại châu Âu. Số binh sĩ còn lại được rút về Mỹ và sẽ được tái triển khai tại châu Âu theo cơ chế luân phiên vào thời điểm phù hợp. Song, Washington phải chi hàng tỷ USD để thực hiện kế hoạch, chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng ở cả Mỹ lẫn châu Âu để phục vụ lực lượng này.
Quyết định của Mỹ không gây bất ngờ bởi Tổng thống Donald Trump đã thông báo kế hoạch từ tháng trước, nhưng vẫn đặt ra câu hỏi rằng, ẩn ý của Nhà Trắng là gì phía sau động thái rút quân khỏi một đồng minh quan trọng nhất trong NATO. Mỹ chấp nhận tốn hàng tỷ USD để điều quân củng cố sườn đông nam của NATO gần Biển Đen như mô tả của Bộ trưởng Mark Esper, hay vì bất đồng về việc Đức không không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP như cam kết chung của các nước thuộc liên minh quân sự gồm 29 thành viên?
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 29-7, theo Reuters, Tổng thống Trump lý giải về quyết định của mình: “Chúng tôi không muốn trở thành kẻ khờ nữa... Chúng tôi sẽ cắt giảm lực lượng vì họ (Đức) không trả tiền đầy đủ. Điều đó rất đơn giản”. Song, ông Trump nói rằng sẽ xem xét lại việc rút quân nếu Đức đồng ý chi thêm tiền cho Mỹ.
Hãng Reuters bình luận: Việc rút quân cho thấy sự không hài lòng của Mỹ đối với một trong những đồng minh quân sự và đối tác thương mại thân thiết nhất. Trong khi đó, Ý và Bỉ - hai nước hưởng lợi trong câu chuyện này - lại đóng góp chi phí thấp nhất, theo dữ liệu từ NATO.
Ông Norbert Roettgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức và là đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói rằng việc rút quân khỏi quốc gia châu Âu này sẽ làm suy yếu liên minh NATO. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Mitt Romney chỉ trích kế hoạch rút quân, mô tả đây là “cái tát vào mặt một người bạn và đồng minh”. Trong khi đó, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, hồi đầu tháng 7 này nhấn mạnh: Nếu tiếp quản Nhà Trắng, ông sẽ xem xét lại quyết định của Tổng thống đương nhiệm.
Sau Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ xem Đức là một trong những căn cứ địa chiến lược nhất của mình ở nước ngoài. Trong đó, căn cứ không quân Ramstein thuộc bang Rheinland-Pfalz là trung tâm để Mỹ đưa quân đội và đồ tiếp tế cho các cơ sở ở Trung Đông hoặc châu Phi. Tuy nhiên, khi đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump cáo buộc nền kinh tế lớn thứ hai trong NATO vừa hưởng thụ sự bảo vệ của Mỹ, vừa thúc đẩy xuất khẩu xe hơi và các mặt hàng xa xỉ khác sang Mỹ.
Thật ra, theo AFP, ông Trump lần đầu đề cập việc rút quân đội Mỹ khỏi Đức hồi tháng 6-2020, sau khi Thủ tướng Merkel từ chối kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) của Tổng thống Trump ở Washington vì lo ngại Covid-19. Bà Merkel cũng thể hiện sự không hài lòng về nhà lãnh đạo Mỹ bởi chỉ sau vài tháng ông Trump nhậm chức, nữ Thủ tướng Đức nói rằng, với việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và Anh rời Liên minh châu Âu (EU) thì “lục địa già” nên tự lo cho mình.
Bà Merkel từng nhấn mạnh, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đức không những để bảo vệ Berlin cũng như các nước châu Âu trong NATO mà còn bảo vệ cả lợi ích của Washington. 10 ngày trước, Thủ hiến 4 bang của Đức gồm Baden-Wurttemberg, Hessen, Bayern và Rheinland-Pfalz đã đề nghị Quốc hội Mỹ giúp ngăn chặn kế hoạch rút quân. Giờ đây, quyết định rút quân đã được Mỹ chính thức công bố. Nếu xem đây chỉ là chuyện xích mích giữa hai đồng minh thì ông Trump sẽ không dễ đảo ngược quyết định, chừng nào Đức chưa không rót thêm tiền cho chi tiêu quốc phòng.
Theo hãng AFP, năm 2019, chi tiêu quốc phòng của Đức đứng thứ 3 trong khối NATO với hơn 54 tỷ USD, chiếm 1,38% GDP, tức chưa đủ 2% như cam kết. Hiện chỉ 9/29 thành viên đáp ứng đủ hoặc vượt mục tiêu dùng 2% GDP cho chi tiêu quân sự, bao gồm: Mỹ, Anh, Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia. |
PHÚC NGUYÊN