Mỹ - Úc với vấn đề an ninh ở Biển Đông

.

Úc không phải là quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông. Song, tuyến vận tải hàng hải, hàng không đi qua Biển Đông chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của nước này. Lâu nay, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Úc chỉ bày tỏ quan ngại và yêu cầu các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không để xảy ra xung đột vũ trang.

Tuy nhiên, gần đây, Canberra có quan điểm rõ ràng và những bước đi cứng rắn hơn.
Trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc ngày 23-7 vừa qua, phái bộ thường trực của Úc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa trọng tài La Haye năm 2016 chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Công hàm được Úc gửi lên LHQ chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Mỹ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13-7-2020. Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong công hàm, Úc bác yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” hoặc “quyền lợi hàng hải” được thiết lập trong suốt “quá trình hoạt động lâu dài trong lịch sử”. Canberra khẳng định đường cơ sở được Trung Quốc tự vẽ (đường 9 đoạn) là “không phù hợp” với UNCLOS. Vì vậy, Úc bác mọi đòi hỏi của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, hoặc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế dựa trên bản đồ này.

Ngoài ra, một yếu tố khác được GS. Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, ghi nhận là Úc phủ nhận việc Trung Quốc cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa “đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”. Canberra khuyến khích tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, làm sáng tỏ những yêu cầu hàng hải và giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển. Ngay sau đó, ngày 25-7, Bắc Kinh phản ứng gay gắt và lớn tiếng đe dọa Canberra sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, nhất là về kinh tế.

Trong một bài bình luận, báo The Global Times (Trung Quốc) cho rằng, nếu Úc tiếp tục theo sát Washington và “khiêu khích” Bắc Kinh thì “thiệt hại đối với Canberra nên được dự kiến không chỉ về quan hệ chính trị, mà cả về quan hệ kinh tế”.

Bất chấp phản ứng vô lối của Bắc Kinh, Úc còn hợp tác với Mỹ để đối phó với những toan tính của Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý là Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds có cuộc tham vấn ngoại giao - quốc phòng thường niên với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper vào ngày 28-7 tại Washington, chủ đề chính là “Biển Đông và an ninh trong khu vực”. Trước đó, chính ông Pompeo nhắc đến triển vọng thành lập “một nhóm quốc gia có chung tư tưởng và một liên minh dân chủ mới” để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và mưu đồ phá hoại trật tự được thành lập dựa trên luật lệ.

Theo trang The New Daily (Úc), cuộc họp thường niên năm 2020 có tầm quan trọng lớn vì tuy có khả năng họp trực tuyến giữa lúc xảy ra đại dịch Covid-19, nhưng hai bộ trưởng Úc vẫn đến Washington để hội đàm với các đồng nhiệm Mỹ. Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp, hai bên cam kết hợp tác quốc phòng chặt chẽ ở Biển Đông và Ấn Độ Dương dưới dạng thức song phương và với các đối tác khu vực. Đồng thời, Mỹ và Úc tuyên bố, các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Payne cho hay: “Chúng tôi sẽ xây dựng sự gắn kết, cải thiện an ninh thông qua mạng lưới các quốc gia có chung tầm nhìn về một Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở, thịnh vượng và an toàn”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết, các cuộc tập trận 3 bên gần đây của Mỹ, Úc và Nhật Bản nhằm gửi thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc.

Diễn biến đó cho thấy lập trường chung, thống nhất, cứng rắn hơn của Mỹ và Úc đối với Trung Quốc trong vấn đề an ninh ở Biển Đông, khi quan hệ giữa Washington và Canberra với Bắc Kinh xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.