Sinh viên quốc tế ở Anh cạn tiền mua thức ăn, đóng học phí vì Covid-19

.

Do lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19, hàng trăm sinh viên quốc tế ở Anh đã phải ra ngân hàng thực phẩm xin thức ăn vì không có việc làm thêm và tiền từ gia đình gửi sang cũng hết.

Sinh viên ngành kinh doanh Shijassafarulla Pudhiyath từ Ấn Độ cho biết mọi người trong gia đình anh thiếu ăn vì COVID-19. Ảnh: BBC
Sinh viên ngành kinh doanh Shijassafarulla Pudhiyath từ Ấn Độ cho biết mọi người trong gia đình anh thiếu ăn vì Covid-19. Ảnh: BBC

Theo kênh BBC, một số sinh viên không thể trả học phí và bị trường đại học cảnh báo đình chỉ học, khiến họ có nguy cơ bị hủy thị thực.

Tại Dự án Cộng đồng Newham ở phía đông London, tình nguyện viên đang cung cấp thức ăn cho 600 sinh viên, phần lớn ở độ tuổi 20. Nhà tổ chức dự án Elyas Ismail nói: “Sinh viên đang trải qua nhiều khó khăn. Đây là lần đầu các em ra nước ngoài. Các em ở trong tình hình xấu”.

Tại địa điểm dự án tại East Ham, sinh viên xếp hàng quanh tòa nhà vào các thứ ba và thứ bảy. Họ phải đăng ký và chứng minh mình là sinh viên thật.

Sinh viên xếp hàng đăng ký nhận thực phẩm tại Anh. Ảnh: NCP
Sinh viên xếp hàng đăng ký nhận thực phẩm tại Anh. Ảnh: NCP

Phần lớn đang học lấy bằng thạc sĩ và là sinh viên Ấn Độ. Một số sợ đại dịch khiến họ sẽ không thể hoàn thành tấm bằng.

Sinh viên quốc tế phải phải chứng minh có đủ tiền trang trải tiền thuê nhà, học phí và ăn ở rồi mới được cấp thị thực.

Nếu sinh viên đang học toàn thời gian tại đại học ở Anh, họ thường được làm việc 20 giờ/tuần.

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn kép vào sinh viên quốc tế tại Anh. Nhiều người mất việc làm, trong khi gia đình tại quê nhà cũng chật vật với đại dịch, không thể gửi tiền ra nước ngoài cho họ. Sinh viên quốc tế thì không trông cậy được vào quỹ công ở Anh.

Sinh viên khi nhận thức ăn sẽ phải đăng ký bằng địa chỉ và thông tin khóa học thực. Ảnh: BBC
Sinh viên khi nhận thức ăn sẽ phải đăng ký bằng địa chỉ và thông tin khóa học thực. Ảnh: BBC

Sinh viên Rahemunnisa Shaik tới từ Hyderabad, Ấn Độ. Cô đang học bằng thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh trong hai năm ở Đại học East London. Cô nói: “Chúng tôi đang đối mặt thời điểm rất khó khăn”.

Shaik tới Anh để bắt đầu khóa học từ tháng 9-2019 cùng chồng. Cô sinh con hồi tháng 5 vừa rồi. Chồng cô đi làm tại nhà hàng KFC để nuôi gia đình nhưng nay mất việc vì Covid-19.

Vợ chồng Shaik không thể trả tiền thuê nhà trong hai tháng qua và nợ 1.500 bảng tiền học phí. Ban đầu, cô phải đóng học phí vào giữa tháng 7 nhưng được gia hạn tới giữa tháng 9.

Trường Đại học East London cho biết đã nhận thấy đại dịch ảnh hưởng tới khả năng trang trải chi phí của sinh viên và đã hỗ trợ sinh viên gần 1 triệu bảng từ tháng ba. Trường này cho biết: “Để được gia hạn đóng học phí tới 15-9, sinh viên phải chứng minh đang theo đuổi tích cực chương trình học và đóng học phí đầy đủ trước đó nhưng nay không thể vì tình hình dịch bệnh toàn cầu”.

Shaik hy vọng gia đình ở Ấn Độ sẽ sớm gửi tiền nhưng cho biết các giao dịch đều bị hoãn vì đại dịch.

Ngoài phát thức ăn, Dự án Cộng đồng Newham đang đàm phán thay mặt 300 sinh viên tại 18 trường đại học. Một nửa trong số đó là sinh viên trường Đại học East London.

Sáu trong các trường đại học còn lại đã đồng ý kế hoạch đóng học phí linh hoạt, phần lớn cho phép gia hạn tới tháng 12. Tuy nhiên, một sinh viên tại Đại học Anglia Ruskin tuần này cho biết nhận được thư của trường yêu cầu đóng học phí 4.100 bảng trong vòng 7 ngày. Thư có đoạn: “Nếu bạn không đóng học phí, bạn có thể bị đình chỉ học và cuối cùng là bị trục xuất”.

Rahemunissa Shaik đang học được một nửa khóa học 2 năm. Ảnh: BBC
Rahemunissa Shaik đang học được một nửa khóa học 2 năm. Ảnh: BBC

Trường được yêu cầu báo cáo trường hợp sinh viên bị đình chỉ cho Cục Quản lý Thị thực và Xuất nhập cảnh Anh (UKVI). Khi bị báo cáo cho UKVI, thị thực của sinh viên sẽ bị hủy và sẽ phải rời Anh ngay để tránh ảnh hưởng tới hồ sơ nhập cảnh sau này.

Đại học Anglia Ruskin cho biết đang làm mọi việc có thể để đảm bảo sinh viên không bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch. Trường này cho biết ngày đóng học phí đã được gia hạn hai tháng từ tháng 5 sang tháng 7 và đề nghị sinh viên liên hệ nếu gặp khó khăn.

Trong khi đó, sinh viên Lexiao Guan từ Thành Đô (Trung Quốc) vừa hoàn thành bằng thạc sĩ thiết kế đồ họa tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia. Cách đây một tháng, Guan đã không thể đóng khoản học phí 7.100 bảng, tương đương một phần tư học phí hàng năm mà sinh viên quốc tế phải đóng cho trường này.

Guan thường kiếm đủ tiền đóng học phí nhờ công việc gia sư và thiết kế đồ họa tự do, nhưng việc làm cạn dần trong thời gian Anh phong tỏa.

Sinh viên Lexiao Guan. Ảnh: Lexiao Guan
Sinh viên Lexiao Guan. Ảnh: Lexiao Guan

Anh nói: “Nếu trường cho tôi thêm thời gian, tôi có thể đóng học phí”. Nhưng Guan đã nhận thư thông báo đình chỉ học và cảnh báo sau hai tuần, trường sẽ báo cáo trường hợp của Guan lên UKVI.

Về sau, trường Đại học Nghệ thuật Hoàng gia đồng ý gia hạn thời gian đóng học phí và cho phép mọi sinh viên tiếp tục theo học. Tuy nhiên, trường đang giữ lại kết quả học tập cho tới khi sinh viên đóng đủ học phí.

Guan cho biết định trở về Trung Quốc ngay khi trả xong nợ học phí nhưng anh bị sốc khi thấy trường nghệ thuật số một thế giới gây cho sinh viên quá nhiều áp lực khi họ đang chuẩn bị cho giai đoạn học tập cuối cùng.

Trở lại với Dự án Cộng đồng Newham, nhà tổ chức Elyas cho biết ông nhận thấy vấn đề này lần đầu tiên vào cuối tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo hồi cuối tháng 5, khi khoảng 50 sinh viên tới nhà thờ Hồi giáo xin thức ăn. Con số này ngày một tăng nên Dự án Cộng đồng Newham đã kêu gọi quyên góp trên diện rộng.

Theo Báo Tin Tức

;
;
.
.
.
.
.