Thế giới có gần 17,5 triệu ca mắc Covid-19

.

Số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tiến gần mức 17,5 triệu. Trong đó, Mỹ có đến hơn 67.600 ca nhiễm mới, Ấn Độ có 55.000 ca nhiễm mới.

Báo South China Morning Post dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 31-7, số người mắc Covid-19 trên toàn cầu là 17,3 triệu người, trong đó có hơn 673.000 ca tử vong và 10,1 triệu ca phục hồi.

Xét nghiệm Covid-19 tại Kozhikode thuộc bang Kerala (Ấn Độ). Quốc gia Nam Á này ngày 31-7 ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm mới. Ảnh: Reuters
Xét nghiệm Covid-19 tại Kozhikode thuộc bang Kerala (Ấn Độ). Quốc gia Nam Á này ngày 31-7 ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm mới. Ảnh: Reuters

Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ vẫn cao nhất, với gần 4,5 triệu ca, trong đó có ít nhất 152.000 ca tử vong. Ngày 30-7 (giờ Washington), Mỹ ghi nhận thêm hơn 67.000 ca nhiễm mới và 1.200 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Dù số ca nhiễm không ngừng tăng ở nhiều địa phương trên khắp nước Mỹ, nhưng theo AP, Tổng thống Donald Trump tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa các trường học trở lại khi sắp bước vào mùa thu.


Trong khi đó, nhóm 6 nhà nghiên cứu tại Trung tâm An toàn sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins cảnh báo, số ca nhiễm tăng cao đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Theo các chuyên gia này, hiện Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh. Vì vậy, chính phủ Mỹ cần điều chỉnh các chính sách phòng ngừa dịch lây lan, chẳng hạn khuyến khích hoặc bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội, tái áp đặt lệnh ở nhà và đẩy mạnh công tác xét nghiệm.


Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 31-7 lên đến hơn 55.000, mức cao kỷ lục trong một ngày ở quốc gia Nam Á này, nâng tổng số ca nhiễm lên 1,64 triệu. Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Ấn Độ cũng cho biết có thêm 779 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 35.700.

Song, hãng Reuters cho hay, Ấn Độ vẫn quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ ngày 1-8, vốn áp đặt hồi tháng 3; theo đó cho phép các trung tâm yoga và thể hình mở cửa trở lại từ ngày 5-8. Lệnh hạn chế đi lại giữa các bang cũng được hủy bỏ. Các khách sạn tại New Delhi được mở cửa khi số ca nhiễm mới ở thủ đô hiện còn khoảng 1.000 ca/ngày, giảm nhiều so với mức đỉnh gần 3.500 ca/ngày hồi đầu tháng 7.

Ở Nhật Bản, số ca nhiễm mới ngày 30-7 lên tới 1.300 trường hợp, vượt qua kỷ lục 1.200 ca của ngày trước đó. Dịch lây lan nghiêm trọng không chỉ tại Tokyo mà còn ở nhiều đô thị lớn khác. Chính quyền thủ đô Tokyo đang xem xét áp đặt tình trạng khẩn cấp trở lại.

Vùng tâm dịch Victoria của Úc ghi nhận thêm hơn 600 ca nhiễm mới và 8 trường hợp vong trong ngày 31-7. Như vậy, Victoria có hơn 10.000 ca nhiễm, cao nhất tại Úc và bang này có 112 ca tử vong. Thủ tướng Úc Scott Morrison thừa nhận việc kiểm soát làn sóng thứ hai của dịch bệnh ở bang Victoria vẫn là thách thức lớn. Từ ngày 2-8, quy định đeo khẩu trang được áp dụng cho tất cả người dân Victoria khi ra khỏi nhà, thay vì chỉ áp dụng đối với thành phố Melbourne và vùng Mitchell Shire lân cận như trước đó.
Tại Indonesia, đảo Bali mở cửa đón du khách trở lại từ ngày 31-7 sau gần 4 tháng yên ắng. Song, du khách phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt ở khách sạn, nhà hàng và bãi biển. Du khách nước ngoài được đến Bali kể từ ngày 11-9. Hãng Reuters cho hay, ngày 31-7, Indonesia ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới và 73 ca tử vong. Như vậy, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng hơn 108.000 ca nhiễm và 5.100 ca tử vong.

Cũng trong ngày 31-7, Philippines ghi nhận số ca nhiễm mới lên đến hơn 4.000 - mức cao nhất trong một ngày trong số các nước Đông Nam Á và 40 ca tử vong. Theo đó, Philippines có tổng cộng hơn 93.300 ca nhiễm và 2.000 ca tử vong. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte duy trì lệnh hạn chế đi lại ở thủ đô Manila và một số tỉnh thêm 2 tuần nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.

Điều đáng lo ngại là Philippines nằm trong nhóm có hệ thống y tế còn nhiều hạn chế. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, việc xét nghiệm Covid-19 hàng loạt chưa có sẵn ở Philippines, gây khó khăn cho việc phát hiện ca nhiễm và giám sát sự phát triển của dịch bệnh.

BÌNH YÊN
 

;
;
.
.
.
.
.