Thế giới tìm kiếm vắc-xin Covid-19

.

Trên thế giới hiện có hàng trăm loại vắc-xin được phát triển để phòng ngừa Covid-19, trong đó có nhiều dự án vắc-xin ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3, được kỳ vọng mang lại hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch đã làm ít nhất 17,9 triệu người mắc.

Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở thủ đô Manila của Philippines. Ngày 1-8, Philippines ghi nhận gần 5.000 ca nhiễm mới. 			       Ảnh: AP
Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở thủ đô Manila của Philippines. Ngày 1-8, Philippines ghi nhận gần 5.000 ca nhiễm mới. Ảnh: AP

Hãng AFP dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, một số loại vắc-xin đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 (giai đoạn cuối cùng), chẳng hạn 3 loại được phát triển ở Trung Quốc, 1 loại ở Anh (Trường ĐH Oxford/Công ty AstraZeneca), 1 loại của Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics (Mỹ)...

Mỹ cam kết chi hơn 8 tỷ USD cho các dự án vắc-xin

Nổi bật nhất là cuộc chạy đua của chính phủ Mỹ nhằm nhanh chóng tìm vắc-xin khi cường quốc này hiện có đến 4,6 triệu ca nhiễm và 154.400 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu đưa vắc-xin Covid-19 ra thị trường vào cuối năm nay. Ngày 31-7, Mỹ ký thỏa thuận với 2 tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh), hỗ trợ hai công ty này 2,1 tỷ USD để phát triển vắc-xin. Hãng AP cho hay, thỏa thuận nằm trong khuôn khổ “Chiến dịch thần tốc” nhằm nhanh chóng đưa một loại vắc-xin Covid-19 ra thị trường ngay vào cuối năm nay. Nếu dự án thành công, Mỹ sẽ có 100 triệu liều vắc-xin và có thể mua thêm 500 triệu liều vắc-xin.

Báo Washington Post còn cho hay, số tiền không dừng lại ở 2,1 tỷ USD bởi Mỹ cam kết chi đến hơn 8 tỷ USD để hỗ trợ các dự án vắc-xin Covid-19 của nhiều công ty như: Johnson & Johnson, Moderna Therapeutics, Novavax, AstraZeneca, Inovio Enterprises... Trong đó, dự án vắc-xin của Công ty Công nghệ sinh học Moderna Therapeutics được kỳ vọng rất lớn. Công ty này tiến hành thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 đối với 300.000 người từ cuối tháng 7. Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ, từng đánh giá hiệu quả vắc-xin của Moderna Therapeutics là “đáng khích lệ”.

Johnson & Johnson cũng đã bắt đầu thử nghiệm về mức độ an toàn trên người đối với vắc-xin mà tập đoàn này nghiên cứu và phát triển, sau khi loại vắc-xin này chứng minh được hiệu quả trên khỉ.

Hai tập đoàn dược phẩm BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) mới đây quyết định đẩy nhanh thử nghiệm với những mẫu vắc-xin tiềm năng nhất để phòng ngừa Covid-19, được biết đến với tên BNT162b2. Nếu thành công và được cấp phép, BioNTech và Pfizer hy vọng có thể sản xuất tối đa 100 triệu liều vắc-xin vào cuối năm 2020 và hơn 1,3 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, Bộ Y tế Nga đang chuẩn bị khởi động chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 quy mô lớn vào tháng 10 tới sau khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng của một loại vắc-xin do Viện Gamaleya tại Moscow nghiên cứu và phát triển. “Chúng tôi lên kế hoạch tiêm chủng mở rộng cho tháng 10 vì chúng tôi cần triển khai dần một hệ thống điều trị mới”, hãng TASS dẫn lời Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nói. Ngoài ra, Nga còn có một loại vắc-xin Covid-19 khác do Phòng thí nghiệm nhà nước Vektor tại thành phố Novosibirsk phát triển và đang chờ được phê chuẩn.

Đại dịch có thể kéo dài

Việc tìm kiếm vắc-xin là cấp thiết khi WHO ngày 1-8 cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể kéo dài. Hãng AFP dẫn tuyên bố của WHO nêu rõ: Cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp đã đề cập về khả năng Covid-19 kéo dài và cảnh báo nguy cơ “phản ứng khó khăn” do áp lực về kinh tế - xã hội đối với các nước. “WHO tiếp tục đánh giá mức độ nguy cơ toàn cầu của Covid-19 là rất cao”, WHO nhấn mạnh.

Kể từ lúc xảy ra khủng hoảng Covid-19, đây là lần thứ tư Ủy ban Khẩn cấp của WHO nhóm họp. Lần nhóm họp gần nhất là vào ngày 30-1, thời điểm WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) - mức độ cảnh báo cao nhất của cơ quan này. Lúc đó, thế giới có hơn 8.200 ca nhiễm, vượt qua số ca nhiễm Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) giai đoạn 2002-2003, nhưng không có ca tử vong nào bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đến nay, số ca nhiễm lên đến ít nhất 17,9 triệu người, trong đó có 687.000 người tử vong, theo thống kê của WHO.

Nhiều nước trên thế giới áp đặt tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn virus lây lan, nhưng biện pháp này tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế. Theo AFP, Ủy ban Khẩn cấp đề nghị WHO đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về một số điều còn chưa được làm rõ như: virus có phải từ động vật hay có khả năng lây truyền qua động vật hay không.

Cũng theo AFP, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận trong những thập niên tới. Ông Tedros cảnh báo nguy cơ tái bùng phát các ca nhiễm mới và thúc giục các nước tiếp tục kiểm soát dịch bệnh.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.