Thế giới vượt 45 triệu ca mắc Covid-19, Mỹ và châu Âu sẵn sàng ứng phó "dịch kép"

.

Hiện có nhiều cảnh báo, các nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ “dịch kép” khi mùa đông đang đến gần.

Lần đầu tiên, số ca mắc Covid-19 mới trong ngày hôm qua (29-10) trên toàn cầu là hơn 500.000 – đây là mức tăng kỷ lục trong 24 giờ khi các nước khắp Bắc Bán cầu báo cáo mức tăng đột biến hằng ngày.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh Covid-19 tại Pháp. Ảnh: AFP
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh Covid-19 tại Pháp. Ảnh: AFP

Hiện có nhiều cảnh báo các nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ “dịch kép” khi mùa đông đang đến gần, với số ca mắc Covid-19 tăng nhanh và những bệnh hô hấp theo mùa có thể khiến hệ thống y tế nhiều nước rơi vào tình trạng quá tải.

Tính đến 10 giờ sáng 30-10, số ca mắc Covid-19 thế giới đã vượt qua hơn 45 triệu trường hợp. Hầu hết các nước phương Tây và các khu vực của Mỹ Latinh báo cáo mức tăng cao nhất trong ngày trong vài tuần qua.

Mỹ hôm qua (29-10)  thông báo có thêm gần 84.000 ca mắc mới - mức cao nhất trong vòng một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ tháng 1-2020. Hiện có nhiều lo ngại tình hình dịch sẽ nghiêm trọng hơn trong những tuần sắp tới, khi các nước bước vào mùa đông với những chứng bệnh hô hấp, cúm theo mùa gia tăng.

Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nói: “Tình hình hiện rất đáng lo ngại với các số mắc Covid-19 gia tăng nhanh chóng, cho thấy làn sóng thứ 2 đang đổ ập vào Tây Ban Nha. Với việc mùa đông đang đến gần, chúng ta có thể chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh vì virus SARS-CoV-2 và các loại virus gây đường hô hấp khác sẽ dễ lây lan hơn trong điều kiện thời tiết này”.

Virus cúm mùa gây ra từ 40 - 50 triệu ca mắc mỗi năm trên khắp khu vực châu Âu, tùy vào khu vực trải qua dịch mùa cúm nặng hay tương đối nhẹ. Ước tính, có khoảng 15.000 đến 17.000 người ở châu Âu tử vong mỗi năm vì những nguyên nhân liên quan đến bệnh cúm.

Trong khi đó tại Mỹ, mùa cúm 2019-2020 đã cướp đi 14.000 sinh mạng trên tổng cộng 26 triệu người mắc bệnh. Nghiên cứu khoa học cho thấy, nguy cơ tử vong tăng gấp hơn 2 lần đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với cả cúm mùa và Covid-19 so với người chỉ mắc Covid-19. Với 2 yếu tố kết hợp này có thể khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia bị quá tải.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới  Adhanom Ghebreyesus cảnh báo:“Chúng ta đang ở giai đoạn quan trọng của đại dịch đặc biệt tại khu vực Bắc bán cầu. Những tháng tới sẽ rất khó khăn. Nhiều nước đang chứng kiến số ca mắc tăng cao đột biến có thể dẫn đến hệ thống y tế bị quá tải, trong bối cảnh chúng ta mới chỉ đang ở tháng 10”.

Ngoài việc khuyến khích người dân tiêm vaccine cúm mùa, các nước châu Âu đang đưa ra biện pháp hạn chế dịch lây lan. Sáng nay, Pháp chính thức bước vào giai đoạn tái phong tỏa toàn quốc trong vòng 5 tuần. Đức cũng thông báo quyết định phong tỏa đất nước trong 1 tháng, bắt đầu từ ngày 2-11. Mặc dù không tiến hành phong tỏa như Pháp và Đức, song Anh cho biết nước này sẽ tiến hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vốn được áp dụng gần đây tại nhiều khu vực ở phía Bắc vùng England.

Tuy nhiên không giống như đợt phong tỏa kéo dài lần 1, các nước áp dụng các biện pháp hạn chế nhưng "có nới lỏng" để tránh  tác động kinh tế nghiêm trọng. Ví dụ như tại Pháp các trường học vẫn mở cửa. Tại Đức, các trường học và  trung tâm chăm sóc ban ngày vẫn mở cửa, trừ các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, các cửa hàng bán lẻ cũng được phép mở cửa với những hạn chế mới nhất định.

Các nước cũng đang chi hàng tỷ USD  để đảm bảo có vaccine ngừa Covid-19. Với dân số khoảng 450 triệu người, Liên minh châu Âu đã đảm bảo có hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid tiềm năng của 3 hãng dược phẩm. Bên cạnh đó, EU cũng đang đàm phán để đặt mua thêm vaccine tiềm năng của các hãng khác. Theo các quan chức EU, Liên minh châu Âu có thể nhận được nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 số lượng lớn bắt đầu vào tháng 4-2021.

Theo VOV.VN

;
;
.
.
.
.
.