Các nhà lãnh đạo nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết nỗ lực để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn thế giới.
Loại vắc-xin do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế có thể được Mỹ và châu Âu cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 12. Ảnh: Reuters |
Theo báo South China Morning Post, thế giới hiện có hơn 58,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó ít nhất 1,38 triệu người tử vong. 7 nền kinh tế trong số 20 nước thuộc G20 có số ca tử vong cao nhất. Trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, có 8 nước là thành viên G20 (Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Pháp, Nga, Anh, Ý, Argentina). Liên minh châu Âu (EU) cũng đang là điểm nóng Covid-19.
“Điều quan trọng là toàn thế giới tiếp cận vắc-xin”
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong hai ngày 21 và 22-11 theo hình thức trực tuyến, do Saudi Arabia chủ trì, đã kết thúc với tuyên bố chung khẳng định sẽ “phối hợp để bảo vệ mạng sống con người, cung cấp hỗ trợ với trọng tâm đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, sớm đưa các nền kinh tế trở lại lộ trình khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo ra việc làm mới cho mọi người”.
“Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính vào lúc mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vắc-xin ngừa Covid-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người”, TTXVN dẫn tuyên bố chung nêu rõ.
Hãng AP cho hay, G20 - với các thành viên bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và các nước khác - đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19. Theo đó, G20 bày tỏ ủng hộ những nỗ lực như dự án vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu (COVAX) nhằm giúp các quốc gia, nhất là các nước nghèo, tiếp cận vắc-xin Covid-19 một cách đồng đều. Song, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn từ chối tham gia COVAX.
Sau hội nghị thượng đỉnh G20, trả lời báo giới ở Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, chính phủ của bà đã hỗ trợ tài chính cho COVAX nhưng sáng kiến này vẫn cần thêm tiền. Tuy nhiên, theo AP, tuyên bố chung của G20 không đề cập trực tiếp lời kêu gọi khẩn cấp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres rằng, cần đầu tư thêm 28 tỷ USD cho việc sản xuất đại trà, phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 trên khắp thế giới, trong đó cần ngay lập tức 4 tỷ USD. “May thay, hiện có hy vọng về vắc-xin”, bà Merkel nói, đồng thời nhấn mạnh: “Điều quan trọng là không chỉ châu Âu bảo đảm vắc-xin…, mà điều quan trọng là toàn thế giới tiếp cận vắc-xin”.
Trong tuyên bố sau khi hội nghị kết thúc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá cao các nước G20 đã thực hiện những hành động chưa từng thấy để giảm tác động của Covid-19, trong đó có những biện pháp về tài chính và tiền tệ, giúp ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt và cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.
Về vắc-xin ngừa Covid-19 trong tương lai, bà Georgieva lưu ý các nước phải bảo đảm vắc-xin được phân phối đến mọi nơi và mọi đối tượng. IMF ước tính vắc-xin có thể giúp thu nhập toàn cầu gia tăng gần 9.000 tỷ USD vào năm 2025. Hiện G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời “bơm” 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế thế giới đang lao đao vì dịch bệnh.
Mỹ, Anh chuẩn bị tiêm vắc-xin cho người dân
Hiện nay, các nhà sản xuất dược phẩm và các trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua để phát triển vắc-xin ngừa Covid-19. Nhiều cuộc thử nghiệm quy mô lớn đang được tiến hành. Loại vắc-xin do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất có thể được Mỹ và châu Âu cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 12 tới, sau khi kết quả thử nghiệm gần nhất cho thấy loại vắc-xin này đạt hiệu quả 95% và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Hãng CNN dẫn lời người đứng đầu chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của Mỹ, ông Moncef Slaoui, cho biết nước này dự kiến phê duyệt loại vắc-xin nói trên vào ngày 11-12. Sau khi được phê duyệt, trong vòng 24 giờ, vắc-xin sẽ được đưa đến các địa điểm tiêm chủng. Hãng Moderna của Mỹ cũng công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vắc-xin của hãng này đạt hiệu quả 94,5%, mang lại hy vọng cho thế giới trong việc kiểm soát Covid-19.
Trong khi đó, Anh đã yêu cầu Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm y tế (MHRA) đánh giá vắc-xin của hãng Pfizer và BioNTech. Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cũng được yêu cầu sẵn sàng phân phối loại vắc-xin này từ ngày 1-12. Chính phủ London đã đặt tổng cộng 40 triệu liều vắc-xin và cuối năm nay có thể nhận được 10 triệu liều, đủ tiêm phòng cho 5 triệu người.
Hãng AP cho hay, Công ty dược phẩm Anh AstraZeneca và Đại học Oxford ngày 23-11 thông báo vắc-xin ngừa Covid-19 do hai đơn vị này phối hợp phát triển mang lại hiệu quả trung bình 70% trong các cuộc thử nghiệm. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock bày tỏ hài lòng về kết quả này. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng hoan nghênh kết quả thử nghiệm và yêu cầu cần kiểm tra thêm về mức độ an toàn.
PHÚC NGUYÊN
Ý là Chủ tịch G20 năm 2021 Kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz trao lại chức Chủ tịch luân phiên G20 cho Ý - nước sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của nhóm này vào năm 2021. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cho biết, nước ông sẵn sàng đảm nhận vị trí Chủ tịch G20 năm 2021, đồng thời khẳng định: Ý sẽ tập trung vào 3 trụ cột “con người, hành tinh và thịnh vượng” để xây dựng một tương lai bền vững. |