Mối đe dọa của lũ lụt

.

Mối đe dọa của lũ lụt đang thay đổi cách xây dựng các thành phố và nhiều kiến trúc sư đang điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với thực tế khí hậu.

Trường học nổi Makoko. Ảnh: CNN
Trường học nổi Makoko. Ảnh: CNN

Biến đổi khí hậu đang khiến các thành phố dễ bị ngập lụt hơn. Theo một nghiên cứu năm 2019, mực nước biển toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 2 mét trong suốt thế kỷ; năm 2100, ít nhất 190 triệu người có thể sống ở các khu vực bên dưới đường thủy triều dự báo. “Các cộng đồng ven biển phải chuẩn bị cho tương lai khó khăn hơn nhiều so với dự đoán hiện tại”, các chuyên gia nghiên cứu khí hậu cảnh báo.

Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết, thế giới đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng trong 20 năm qua và châu Á bị tác động nặng nề nhất. Theo Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI), số lượng các trận mưa lớn có thể tăng gấp 3-4 lần vào năm 2050 ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia...

Tình trạng lũ lụt gia tăng có thể gây thiệt hại 1.200 tỷ USD (tương đương 8-13% GDP ở châu Á). Con số này chiếm 75% trong tổng thiệt hại toàn cầu. “Có một sự nhất quán trong những mô hình dự báo rằng biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa dữ dội hơn”, Homero Paltan Lopez - chuyên gia thủy lợi tại Đại học Oxford (Anh) cho biết.

Bên cạnh hành động khẩn cấp để ngăn chặn nhiệt độ trái đất nóng lên, cấu trúc ngôi nhà nổi (floating home) có thể giúp đối phó mực nước dâng cao. Nhà nổi sinh thái, thân thiện môi trường cũng được xem là một công trình xanh và bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ năm 2013, NLE - cơ quan có sứ mệnh thay đổi kiến trúc ở những thành phố đang phát triển - đã công bố mô hình Trường học nổi Makoko ở Lagos (Nigeria), một cấu trúc nổi trên mặt nước nguyên mẫu được sử dụng làm không gian giáo dục và cộng đồng.

Từ lâu, người dân sống ở Makoko thuộc thành phố Lagos đã xây nhà nổi để sinh sống và buôn bán. Nhưng khu vực này chỉ có ở một trường tiểu học. Tòa nhà nổi 3 tầng này đứng trên mặt nước nhờ một hệ thống sàn làm từ 256 thùng nhựa. Tường và trần chủ yếu làm từ gỗ. Trường học được thắp sáng bằng các tấm năng lượng mặt trời. Trường học có đủ chỗ cho 100 học sinh, ngoài ra còn có sân chơi và không gian trồng cây.

Đến năm 2016, có thông tin cho hay, Trường học nổi Makoko bị sập chỉ sau 7 tháng khai trương do mưa lớn. Tất cả những gì còn lại là một nền tảng nổi.

Trên thế giới cũng xuất hiện nhiều mô hình nhà nổi có khả năng chống lũ, không bị hư hại khi ngập nước. Chẳng hạn, ở Hà Lan, Công ty kiến trúc Waterstudio và Dura Vermeer đã hoàn thành một thiết kế nổi tiếng về nhà nổi ở Maasbommel - khu vực gần sông Maas. Các ngôi nhà nổi được gắn chặt vào các trụ neo linh hoạt và nằm yên trên nền bê-tông. Nếu mực nước sông dâng cao, các ngôi nhà nổi này có thể di chuyển lên trên và trôi. Các dây buộc vào trụ neo nhằm hạn chế chuyển động do nước gây ra. Những ngôi nhà nổi sẽ được hạ xuống khi mực nước rút và vẫn nằm yên trên nền-bê tông.

Ở Pakistan, các chuyên gia thiết kế nhà nổi từ các container vận chuyển tái chế. Container làm nơi ở, kệ gỗ kê hàng và săm lốp bên trong có thể tách khỏi mặt đất, nổi tối đa 2,5m khi có lũ lụt.

HOÀNG ĐẶNG (Theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.