Hiệp ước Bầu trời mở (OST) chính thức được ký kết tại Helsinki (Phần Lan) ngày 24-3-1992, có hiệu lực từ ngày 1-1-2002; theo đó cho phép các nước thành viên bay giám sát không vũ trang trên không phận của nhau, thúc đẩy tính công khai, minh bạch của các lực lượng và hoạt động quân sự. Đến nay, 35 nước đã ký hiệp ước này, trong đó có Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 22-11 vừa qua, Mỹ chính thức rút khỏi OST, hiện thực hóa tuyên bố được Tổng thống Donald Trump đưa ra hồi tháng 5 về việc rời hiệp ước này. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Cale Brown nói rằng, Washington đã thực thi quyền của mình theo khoản 2, Điều 15 trong OST vào ngày 22-5, báo trước cho toàn bộ các nước liên quan về quyết định rút khỏi hiệp ước.
Khái niệm “Giám sát nhau từ trên không” lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đề xuất với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Liên Xô Nikolai Bulganin tại Hội nghị Geneva năm 1955. Thế nhưng, khi Tổng thống Mỹ George H. W. Bush đề xuất sáng kiến này vào năm 1989, các nước thành viên lúc bấy giờ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Khối Hiệp ước Varsaw mới đàm phán về OST. Trước khi ông Donald Trump làm Tổng thống, các chính phủ Mỹ tiền nhiệm đều duy trì hiệp ước này.
Không có sự tham gia của Mỹ, ngoại trừ Canada thuộc châu Mỹ, 32 nước thành viên còn lại của OST đều thuộc châu Âu. Giờ đây, 10 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia OST tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước. Trong nhiều thập niên, OST là một trong những cơ chế quan trọng duy trì nền tảng an ninh châu Âu, bảo đảm những lợi ích an ninh cốt lõi cho các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định Berlin chắc chắn sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước, trong đó có việc mua sắm máy bay giám sát mới Airbus A319. Ngoài ra, Đức cũng cam kết hiện đại hóa toàn diện việc kiểm soát vũ khí thông thường ở châu Âu.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng, quyết định rút khỏi OST của Mỹ gây thiệt hại cho một loạt thỏa thuận về kiểm soát vũ khí và là đòn mạnh giáng vào an ninh châu Âu.
Dưới thời Tổng thống Trump, Washington đã lần lượt rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng bị cho là “gây thiệt hại lớn cho nước Mỹ”. Trước đó, ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nhóm P5+1 đã ký với Iran năm 2015; Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988; Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) giữa Mỹ với Nga sẽ hết hiệu lực vào năm tới, hiện trong tình trạng bấp bênh vì cần được gia hạn vào đầu năm 2021.
Dư luận cho rằng, việc Mỹ “khép lại bầu trời mở” làm dấy lên sự nghi ngờ về tính nhất quán trong chính sách của Washington và gây quan ngại nghiêm trọng ngay cả trong các đồng minh của Mỹ.
Nhiều chuyên gia và các phương tiện truyền thông tại Mỹ cho rằng, Tổng thống Trump đang cố gắng tận dụng những tuần còn lại trong nhiệm kỳ để củng cố các “di sản” chính sách đối ngoại trong 4 năm qua của mình. Và khi chính phủ kế nhiệm bị đặt vào “tình thế đã rồi” thì khó có thể đảo ngược một số chính sách.
TUYẾT MINH