Mỹ rút 2.500 binh sĩ khỏi Iraq và Afghanistan

Nhiều phản ứng trái chiều

.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch rút 2.500 binh sĩ khỏi Iraq và Afghanistan vào giữa tháng 1-2021 làm dấy lên những phản ứng trái chiều. Đây là sự tính toán chiến lược hay là bước lùi của Mỹ và bỏ rơi đồng minh?

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) phát biểu khi thăm căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan ngày 28-11-2019. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) phát biểu khi thăm căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan ngày 28-11-2019. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, Tổng thống Mỹ ra lệnh Lầu Năm Góc rút 2.500 lính Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan trước ngày 15-1-2021, tức chỉ trước 5 ngày tổng thống mới tuyên bố nhậm chức, nhưng không rút quân hoàn toàn như ông từng đe dọa. Theo đó, quân số Mỹ tại Afghanistan sẽ giảm từ 4.500 xuống 2.500 và quân số tại Iraq giảm từ 3.000 xuống 2.500. Như vậy, từ ngày 15-1-2021, Mỹ sẽ duy trì 2.500 binh sĩ ở mỗi nước và đến tháng 5-2021 có thể rút hết quân trở về.

Giờ là lúc về nhà

Ngay sau khi Lầu Năm Góc công bố thông tin nói trên vào ngày 17-11, một vài tiếng nổ lớn đã vang lên ở Vùng Xanh gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad của Iraq mặc dù chưa rõ hai sự việc có liên quan gì không. Theo các nguồn tin, có ít nhất 4 quả tên lửa đã được phóng đi và một vài trong số này rơi gần Đại sứ quán Mỹ.

Việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Iraq và Afghanistan không gây bất ngờ bởi ông Trump trong suốt thời gian dài đã nhiều lần cam kết hành động như vậy để chấm dứt “cuộc chiến tranh bất tận” ở Trung Đông, vốn gây nhiều tổn thất cho Washington. Lúc tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump hứa sẽ đưa tất cả binh sĩ về nước. Trong những tháng gần đây, ông nhắc lại điều này và muốn các binh sĩ trở về trước ngày bầu cử 3-11.

Báo The Telegraph nhận định, kế hoạch rút quân lần này phản ánh mong muốn của Tổng thống Trump, dẫu đây chưa phải là cuộc rút quân hoàn toàn. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller - người mới được bổ nhiệm hồi tuần trước thay thế ông Mark Esper bị sa thải - khẳng định: Việc rút quân phù hợp với mục tiêu và kế hoạch chiến lược theo sự ủng hộ của người dân Mỹ mà không phải là sự thay đổi trong chính sách hay mục tiêu của Washington. “Chúng ta đã đương đầu thách thức. Chúng ta đã cố hết sức. Giờ là lúc về nhà”, ông Miller nói.

Trả giá đắt?

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lo ngại rằng, việc Mỹ và các nước đồng minh quyết định vội vàng rút quân khỏi Afghanistan có thể khiến quốc gia Nam Á này một lần nữa trở thành “mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố”. “Sẽ phải trả giá đắt cho việc rút quân sớm hoặc không có tổ chức”, hãng Reuters dẫn lời ông Stoltenberg nói, đồng thời cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể hồi sinh “vương quốc khủng bố” tại Afghanistan.

Người đứng đầu phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnelle thuộc đảng Cộng hòa và là đồng minh của ông Trump, gọi quyết định “rút quân nhanh chóng” là sai lầm. Ông McConnelle thúc giục chính phủ không nên có bất kỳ sự thay đổi lớn nào về chính sách đối ngoại và quốc phòng trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Lý giải cho nhận định của mình, ông McConnelle nhấn mạnh, những hậu quả của việc Mỹ vội vàng rút quân có thể còn tồi tệ hơn việc ông Barack Obama khi làm Tổng thống đã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011.

Mỹ bắt đầu đưa quân tham chiến ở Afghanistan từ tháng 10-2001 nhằm chống lại Taliban. Song, cuộc chiến này kéo dài 19 năm, mà ông Trump gọi là “cuộc chiến tranh bất tận”, khiến khoảng 2.400 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và tiêu tốn chi phí khoảng 1.000 tỷ USD. Số quân Mỹ cắt giảm vào tháng 1-2021 gần bằng với số quân đã tử vong ở chiến trường Afghanistan. Trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ trong NATO cũng muốn rời Afghanistan. Song, nhiều nước khác cảm thấy việc rời quốc gia Nam Á trong lúc vẫn bất ổn là hành động liều lĩnh. Hơn nữa, nếu Mỹ rút quân nhanh chóng sẽ làm suy yếu nền an ninh vốn mong manh tại Afghanistan, gây tổn hại tới hòa đàm giữa chính phủ Kubul và lực lượng Taliban.

Tháng 2 vừa qua, Mỹ cùng Taliban ký thỏa thuận, mở đường để toàn bộ binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan trong 14 tháng, hướng đến kết thúc cuộc chiến kéo dài ở quốc gia này. Taliban cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, theo BBC, không có gì bảo đảm lực lượng này sẽ giữ cam kết bởi thời gian gần đây Afghanistan đối mặt với tình trạng bạo lực gia tăng. Hơn nữa, tiến trình đàm phán giữa Taliban và Kabul không thể có kết quả một sớm một chiều mà sẽ kéo dài nhiều năm...

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.