Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh không chỉ khiến khu vực Trung Đông thêm căng thẳng, mà còn làm phức tạp mối quan hệ giữa nước Cộng hòa Hồi giáo với Mỹ.
Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Reuters |
Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, người mà phương Tây nghi là “cha đẻ” chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, đã bị sát hại trong cuộc phục kích ở thành phố Absard thuộc khu vực Damavand, gần thủ đô Tehran hôm 27-11. Hãng tin AFP cho biết, Iran cáo buộc Israel đang tìm cách gieo rắc sự “hỗn loạn” bằng việc sát hại nhà khoa học 59 tuổi và hàm ý rằng, Nhà nước Do Thái đang hành động theo ý của Mỹ. Washington chưa chính thức bình luận về vụ ám sát, nhưng trên Twitter, Tổng thống Donald Trump nhắc lại rằng ông Fakhrizadeh đã bị Cơ quan tình báo Israel (Mossad) truy nã trong nhiều năm.
Iran thề trả đũa
Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, cụ thể là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Mossad, đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này. Giờ đây, vụ việc làm dấy lên hoài nghi về sự liên quan của Mỹ, nhất là chỉ vài tuần trước đó Tổng thống Trump tuyên bố ý định tấn công Iran bằng quân sự. Các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã được điều đến Trung Đông để “trấn an” các đồng minh. Từ năm 2019 đến nay, Mỹ và Iran đã 2 lần đi đến bờ vực chiến tranh.
Cựu đặc phái viên Trung Đông của Lầu Năm Góc, ông Michael P. Mulroy khẳng định Iran chắc chắn trả đũa bởi ông Fakhrizadeh là nhà khoa học hạt nhân cấp cao nhất của Tehran, chịu trách nhiệm toàn bộ chương trình nguyên tử bí mật của nước Cộng hòa Hồi giáo. Theo Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên đảng Dân chủ trong Tiểu ban Trung Đông ở Thượng viện Mỹ, vụ ám sát ông Fakhrizadeh không làm nước Mỹ, Israel hay thế giới an toàn hơn.
Phía Iran đã dọa đáp trả. Hãng tin Reuters dẫn lời lãnh đạo tối cao - Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Iran sẽ trừng phạt những kẻ ám sát ông Fakhrizadeh. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng cam kết đáp trả “vào thời điểm thích hợp”.
Nhiều người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Tehran ngày 28-11 để lên án vụ việc và yêu cầu nhà chức trách nhanh chóng hành động. Các đại sứ quán Israel ở nước ngoài hiện được đặt trong tình trạng báo động cao do lo ngại Iran sẽ tấn công công dân và nhân viên ngoại giao.
Hiện trường vụ ám sát. Ảnh: Reuters |
Khó hàn gắn quan hệ
Rất nhiều câu hỏi đặt ra về số phận của thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 hồi năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) và mối quan hệ Washington - Tehran nếu ông Joe Biden tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2021.
Năm 2018, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và theo đuổi chiến dịch gây “sức ép tối đa”, đặc biệt nhằm vào ngành dầu mỏ - ngành kinh tế chủ lực của Iran, nhằm buộc Tehran trở lại bàn đàm phán. Động thái này khiến Iran không chấp nhận tuân thủ JCPOA nữa mà tăng cường tích trữ uranium được làm giàu. Trong chuyến thăm Israel hôm 27-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một số công ty của Trung Quốc và Nga vì đã ủng hộ chương trình tên lửa của Iran.
Những nỗ lực trong những ngày tháng cuối nhiệm kỳ của ông Trump bằng các tuyên bố trừng phạt đang đẩy Mỹ và Iran càng xa cách, đồng thời làm phức tạp khả năng nối lại hoạt động ngoại giao và tái gia nhập JCPOA nếu ông Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 tới.
Báo The Telegraph dẫn lời các nhà phân tích của Iran cho rằng, cái chết của ông Fakhrizadeh không thể ngăn chương trình hạt nhân của Tehran, nhưng có thể đặt dấu chấm hết cho JCPOA. Cựu Giám đốc CIA John Brennan gọi vụ ám sát là “tội ác vô cùng liều lĩnh”, có nguy cơ đẩy Trung Đông vào vòng xung đột mới.
Ông Biden khi tranh cử tổng thống đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong vấn đề Iran và nỗ lực tái gia nhập JCPOA. Song, vụ ám sát Fakhrizadeh đang làm mục tiêu hàn gắn quan hệ Washington - Tehran trong tương lai càng trở nên xa vời và gây khó cho chính phủ mới của Mỹ, như nhận định của ông Ben Rhodes - cựu cố vấn của ông Barack Obama.
VĨNH AN