Các nước đều cần vắc-xin ngừa Covid-19

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 18-12 nhấn mạnh, trong lúc các nước giàu có triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho công dân, các nước khác cũng cần có vắc-xin cho mọi người, mọi nơi.

Loại vắc-xin do hãng AstraZeneca (Anh) phối hợp với Đại học Oxford phát triển có thể mang lại hiệu quả 90%. Ảnh: AP
Loại vắc-xin do hãng AstraZeneca (Anh) phối hợp với Đại học Oxford phát triển có thể mang lại hiệu quả 90%. Ảnh: AP

Hãng tin AP dẫn lời Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ca ngợi các nhà nghiên cứu Đức đến từ hãng BioNTech đã phối hợp cùng hãng Pfizer của Mỹ để phát triển loại vắc-xin khả dụng, vượt qua các loại vắc-xin tiềm năng khác trong cuộc đua tìm kiếm vắc-xin ngừa Covid-19. Song, ông Guterres nói rằng, thách thức lúc này là làm sao bảo đảm vắc-xin là một loại hàng hóa công để mọi người, mọi nơi đều có thể tiếp cận. Liên Hợp Quốc cam kết cung cấp thông tin và khuyến cáo để mọi người có thể tin tưởng vắc-xin “dựa trên khoa học, sự thật” để chống lại những gì mà ông gọi là “virus thông tin sai lệch”.

Cấp phép cho vắc-xin của Moderna

Ngày 17-12, ông Guterres cho hay, đến cuối tháng 1-2021, cơ chế tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ cần 5 tỷ USD để bảo đảm khả năng tiếp cận vắc-xin cho tất cả các quốc gia, nhưng hiện chưa có đủ khoản tiền này. Ông Guterres cũng nhận thấy một số nước đã đặt mua số lượng vắc-xin nhiều hơn gấp vài lần dân số nước đó và chính phủ các nước này nên tặng số vắc-xin chưa dùng cho COVAX.

Một tin vui về vắc-xin là Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin do hãng Moderna sản xuất, trở thành vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai được áp dụng tiêm chủng tại nước này (cùng vắc-xin của Pfizer/BioNTech). Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết, 5,9 triệu liều vắc-xin của Moderna sẵn sàng được phân phối trên cả nước vào các ngày 21, 22 và 23-12. Moderna cũng xác nhận vào cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu liều vắc-xin của công ty này tại Mỹ. Cả hai loại vắc-xin nói trên đều đã được chứng minh mang lại hiệu quả phòng bệnh đến 94% với rất ít tác dụng phụ.

Mạnh tay với “virus thông tin sai lệch”

Trong khi toàn thế giới chờ đợi các loại vắc-xin khả dụng giúp kiểm soát dần, tiến tới chấm dứt đại dịch Covid-19, lại có một “luồng gió ngược” khác muốn gieo rắc những suy nghĩ ngờ vực về vắc-xin. Theo Reuters, mạng xã hội Twitter đã lên tiếng ủng hộ và tham gia cùng hai mạng xã hội Facebook, YouTube trong cuộc chiến chống thông tin sai trái, lệch lạc về vắc-xin ngừa Covid-19 trên nền tảng của họ. Từ tuần tới, Twitter sẽ xóa bỏ những thông tin sai về vắc-xin mà họ cho là “gây hại nhiều nhất”. Từ đầu năm 2021, mạng xã hội này có thể gắn nhãn những tweet có nội dung “cổ súy tin đồn vô căn cứ, những tuyên bố còn tranh cãi và những thông tin không đầy đủ, thiếu ngữ cảnh cụ thể về vắc-xin” dù không gỡ bỏ chúng.

Trong tháng 12, ngay sau khi Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc-xin của Pfizer/BioNTech, Facebook công bố sẽ xóa bỏ thông tin sai trái về các vắc-xin, những thông tin mà theo họ có thể dẫn tới “những tổn thương thể chất ngay lập tức”.

Mạng xã hội Instagram (thuộc quản lý của Facebook) cũng sẽ xóa bỏ những thông tin sai liên quan các vắc-xin đã được các chuyên gia y tế chứng minh là không có cơ sở khoa học. Từ tháng 3 đến tháng 10 năm nay, Facebook đã xóa khoảng 12 triệu thông tin sai về vắc-xin trên các nền tảng của họ.

Theo dữ liệu thu thập của công ty Zignal Labs, những thông tin sai lệnh về vắc-xin đã thu hút hàng chục ngàn lượt đề cập trong các trao đổi, thảo luận trên mạng Internet trong tuần qua. Việc những thông tin sai lạc về vắc-xin ngừa Covid-19 tăng mạnh cũng phản ánh thực tế một bộ phận không nhỏ người Mỹ có thể chưa sẵn sàng sử dụng vắc-xin, hoặc chưa muốn tiêm phòng. Các kết quả thăm dò dư luận gần đây cho thấy mặc dù hầu hết người dân Mỹ nói họ có thể, hoặc chắc chắn sẽ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng nhiều người cũng nói có thể sẽ chưa tiêm ngay lúc này.

Dịch bệnh ở Mỹ vẫn nóng, Úc siết chặt kiểm soát dịch

Ngay cả khi Mỹ bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân, dịch bệnh vẫn rất nóng, liên tục “phá vỡ kỷ lục” về số ca mắc mới, số ca nhập viện và số người chết.

Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến tối 18-12 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận tổng cộng hơn 17,6 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 317.000 người đã chết và hơn 10 triệu người hồi phục. Toàn thế giới đã có hơn 75,3 triệu người mắc bệnh, trong đó hơn 1,67 triệu người tử vong.

Trong khi đó, tại Úc, ngày 18-12, các bang và vùng lãnh thổ bắt đầu áp đặt lệnh hạn chế đi lại giữa các địa phương sau khi phát hiện 28 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại khu vực bờ biển phía bắc Sydney - thành phố đông dân nhất. Nhiều người đến sân bay Sydney để tìm cách rời khỏi thành phố này trước khi đóng cửa hoạt động hàng không. Theo Reuters, Úc hiện ghi nhận hơn 28.000 ca nhiễm và 908 ca tử vong.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.