Châu Âu với mùa Giáng sinh buồn

.

Số ca mắc Covid-19 ở châu Âu đã vượt ngưỡng 20 triệu trong lúc nhiều chính phủ đang cân nhắc việc tiếp tục siết chặt các biện pháp ngăn chặn đại dịch.

Các nhân viên y tế ở một bệnh viện tại Moscow (Nga) điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Getty Images
Các nhân viên y tế ở một bệnh viện tại Moscow (Nga) điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Getty Images

Hãng CNN dẫn thông tin từ Viện Robert Koch (RKI), trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của Đức cho biết, các nhà chức trách ngày 9-12 ghi nhận thêm hơn 20.800 ca nhiễm mới và 590 ca tử vong, đánh dấu số ca tử vong cao nhất ở nước này trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đến nay, Đức có tổng cộng hơn 1,2 triệu ca nhiễm và 19.900 ca tử vong.

Thêm thời gian để đảo ngược tình hình

Ngày 9-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ không thể cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho đủ người dân trong quý 1-2021 và phải mất thêm nhiều thời gian để đảo ngược tình hình như mong muốn khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Chính phủ Đức có thể họp khẩn trước lễ Giáng sinh.

Viện Khoa học quốc gia Đức Leopoldina khuyến nghị cần phong tỏa cả nước từ ngày 24-12 đến ít nhất ngày 10-1-2021 để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Theo đó, cần đóng cửa tất cả cửa hàng trên toàn quốc, trừ những cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm hằng ngày.

Với nước Pháp, theo Reuters, nếu cần thiết thì chính phủ sẽ hoãn việc nới lỏng một số biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn làn sóng thứ ba, người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal xác nhận với đài truyền hình Cnews ngày 9-12 như vậy. Pháp vốn dự kiến mở cửa các rạp phim, nhà hát, bảo tàng, cho phép công dân đi lại giữa các khu vực vào ngày 15-12. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến chính phủ cân nhắc lại kế hoạch. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt ra mục tiêu rằng, sẽ xem xét việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa khi có số ca nhiễm mới ở mức 5.000/ngày và ít hơn 3.000 người được chăm sóc đặc biệt. Song, số ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 8-12 lên đến hơn 13.000 ca.

Tại Ý, với 634 ca tử vong trong ngày 8-12, tổng số người tử vong do Covid-19 ở quốc gia Nam Âu này vượt ngưỡng 61.000. Chính phủ Ý đã thông báo nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào dịp nghỉ lễ cuối năm, như cấm di chuyển giữa các vùng từ ngày 21-12 đến 6-1-2021. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nói rằng, nước ông cần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba có thể xảy ra từ tháng 1-2021 với mức độ tương đương làn sóng thứ hai.

Tại Nga, giới chức y tế thông báo có thêm 26.100 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 5.100 ca ở thủ đô Moscow, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên hơn 2,5 triệu.

Cuộc đua giành thị trường vắc-xin

Ngoài hai ứng cử viên vắc-xin ngừa Covid-19 đã được chứng minh hiệu quả phòng bệnh hơn 90% của Pfizer/BioNTech và Moderna, vắc-xin Covishield của AstraZeneca nổi lên là ứng cử viên tiềm năng và có những ưu điểm riêng so với hai loại kia. Vắc-xin của AstraZeneca có những đòi hỏi bớt khắt khe hơn về điều kiện lưu trữ, bảo quản, và được cho là tiện phân phối hơn, có thể triển khai nhanh chóng hơn với quy mô lớn tại các nước có thu nhập thấp.

Anh và một số nước khác thời gian qua tiếp tục triển khai các kế hoạch đưa vào sử dụng vắc-xin của hãng AstraZeneca. Philippines và Thái Lan đã đặt mua hàng triệu liều vắc-xin này.

Indonesia cuối tuần qua tiếp nhận 1,2 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất (vắc-xin CoronaVac). Dự kiến trong năm 2021, Indonesia sẽ tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vắc-xin và số vật liệu thô đủ để sản xuất khoảng 45 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đặt mua 50 triệu liều vắc-xin CoronaVac và dự kiến nhận lô hàng đầu tiên vào ngày 11-12.

Trong cuộc chạy đua sản xuất và tìm thị trường cho vắc-xin ngừa Covid-19, hãng Sinovac của Trung Quốc vẫn ở top đầu. Trung Quốc đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn tại ít nhất 16 quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Vắc-xin của Sinovac là loại vắc xin bất hoạt (inactivated) hai liều tiêm được làm theo công nghệ cũ, có thể lưu trữ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C (khoảng nhiệt độ của tủ lạnh thông thường). Đây cũng được xem là một ưu thế trong lưu trữ, phân phối nếu so với các vắc-xin Covid-19 bào chế theo công nghệ mới mRNA đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ rất thấp, tới -70 độ C.

Trung Quốc còn có loại vắc-xin ngừa Covid-19 do Tập đoàn Dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất. Theo Reuters, ngày 9-12, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chính thức đăng ký vắc-xin Sinopharm và cho biết loại thuốc này có hiệu quả 86%.

PHÚC NGUYÊN - ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.