Chống biến đổi khí hậu: Cùng hành động và hy vọng

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterre kêu gọi mỗi quốc gia tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, nghĩa là thế giới phải tăng tốc hành động, nâng mức cam kết cắt giảm khí thải nhằm ngăn chặn tình trạng Trái đất ấm lên.

Các cuộc tuần hành đã diễn ra ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 12-2019 yêu cầu hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25) phải hành động. Ảnh: DW
Các cuộc tuần hành đã diễn ra ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 12-2019 yêu cầu hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP25) phải hành động. Ảnh: DW

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 12-12-2020 đánh dấu tròn 5 năm Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được 195 nước ký kết nhằm hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời tiền cách mạng công nghiệp.

Hành động để bảo đảm tương lai cho con cháu

Ngày 12-12-2015, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở thủ đô Paris của Pháp được xem là một sự kiện lịch sử. 13 ngày đàm phán căng thẳng đã dẫn đến kết quả ngọt ngào - một thỏa thuận với nhiều cảm xúc đan xen, có những nụ cười và cả những giọt nước mắt của các chính trị gia từ các phái đoàn. Lúc đó, Mỹ cam kết giảm 26-28% lượng khí thải đến năm 2025, Trung Quốc giảm 18% đến năm 2030…

Thỏa thuận tại COP21 không có tính ràng buộc như Nghị định thư Kyodo. Mỗi năm thế giới cần giảm 7,6% lượng khí thải nhưng chỉ tiêu giảm và mức tài chính đóng góp đều theo tinh thần tự nguyện.

Giờ đây, sau 5 năm, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hầu như “giậm chân tại chỗ”, nhất là khi Mỹ - chiếm tỷ lệ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao thứ hai thế giới (18%), chỉ sau Trung Quốc - đã rút khỏi thỏa thuận. Nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, các đợt nắng nóng gây hạn hán và các cơn bão nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn, với mức độ khốc liệt hơn, trong khi các chính phủ vẫn dè dặt về các chính sách về khí hậu.

Cũng theo Reuters, tại Hội nghị thượng đỉnh Climate Ambition (tạm dịch: Tham vọng về khí hậu) do LHQ, Anh và Pháp đồng chủ trì theo hình thức trực tuyến vào ngày 12-12, ông Guterre kêu gọi mỗi quốc gia tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu” cho đến khi lượng phát thải giảm xuống mức 0, nghĩa là các nước phải hành động ngay bây giờ. “Tôi thúc giục mọi người hãy thể hiện tham vọng, ngăn chặn cuộc tấn công hành tinh của chúng ta và làm những gì mà chúng ta cần để bảo đảm tương lai cho con cháu chúng ta”, ông Guterre nói.

Trung hòa carbon vào năm 2050

Hồi tháng 11, Tổng Thư ký Guterre cho biết, mặc dù có thêm nhiều chính phủ và doanh nghiệp cam kết đến năm 2050 sẽ trung hòa khí thải carbon, nhưng thế giới vẫn cách xa mục tiêu này. Anh là một trong những nước đưa ra cam kết rõ ràng nhất. Tối 11-12, các nhà lãnh đạo Anh khẳng định sẽ ngừng sự hỗ trợ của chính phủ đối với các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Một tuần trước đó, Anh đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 68% so với mức của năm 1990, tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Cuối tuần qua, lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) quyết định giảm lượng khí thải xuống dưới 55% so với mức năm 1990, thay vì 40% như mục tiêu từ trước đến nay. Theo đó, EU trở thành đối tác đầu tiên có lượng phát thải lớn nhất chính thức đưa ra mục tiêu sửa đổi cao hơn so với yêu cầu của Hiệp định Paris. Đây là những tín hiệu đầy lạc quan cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Với Trung Quốc, hồi tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình gây ngạc nhiên khi tuyên bố nước này sẽ giảm 65% khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 2005 và trung hòa carbon vào năm 2060, đồng thời đưa ra các mục tiêu tăng tốc mở rộng năng lượng gió và mặt trời. Trung Quốc phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới và sử dụng nhiều than đá hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Song, tại hội nghị thượng đỉnh Climate Ambition, ông Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, các nước giàu có hơn nên hành động nhiều hơn.

Theo Hiệp định Paris, cứ 5 năm một lần, các nước sẽ có những kế hoạch cắt giảm khí thải mới - được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Ngày 31-12 sẽ là hạn cuối để các nước tham gia hiệp định đưa ra mức cam kết mới. Hiện hơn 100 nước đã hứa trung hòa carbon vào năm 2050.

Những nỗ lực vẫn đang diễn ra với nhiều hy vọng, mở đường cho COP26 được tổ chức ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11-2021 sẽ tạo sự đột phá nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về khí hậu. Lo lắng về tình trạng Trái đất ấm nóng lên, Thủ tướng Anh Boris Johnson - người sẽ chủ trì COP26 - cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng khí hậu thậm chí có sức tàn phá còn hơn cả đại dịch Covid-19, theo báo The Independent.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.