Chống biến đổi khí hậu: Châu Âu muốn đi đầu

.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 11-12 thông qua thỏa thuận nâng mục tiêu cắt giảm phát thải CO2 tại châu lục này vào năm 2030 lên 55% so với mức của năm 1990.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết hành động theo mục tiêu mới của khối để chống lại biến đổi khí hậu. Ảnh: IBT
Tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết hành động theo mục tiêu mới của khối để chống lại biến đổi khí hậu. Ảnh: IBT

Hãng Reuters dẫn lời các nhà khoa học cho rằng, việc các nhà lãnh đạo EU khi nhóm họp ở Brussels (Bỉ) nâng mức cắt giảm phát thải CO2 vào năm 2030 là “mục tiêu tham vọng”. Theo đó, khối gồm 27 thành viên sẽ thay đổi các chính sách để cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990, thay vì mục tiêu hiện tại là 40%.

Mục tiêu mới này sẽ đưa EU theo hướng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - thời hạn mà các nhà khoa học cho rằng thế giới phải hành động để ngăn chặn những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu. Mức phát thải ròng bằng 0 nghĩa là đến năm 2050, các ngành, các lĩnh vực sẽ giảm sản lượng khí nhà kính xuống gần bằng 0 và sẽ sử dụng việc loại bỏ khí thải để cân bằng lượng khí thải còn lại.

Trên Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel - người chủ trì các cuộc họp viết: “Châu Âu dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi quyết định cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính… ít nhất 55% vào năm 2030”. Nói về mục tiêu mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho rằng, mức cam kết nói trên sẽ đưa “lục địa già” theo con đường rõ ràng, đó là hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050, như chiến dịch toàn cầu mang tên “Race to 0” (tạm dịch: Chạy đua về 0) nhằm ủng hộ trung hòa carbon. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cam kết hành động theo mục tiêu mới. Trên Twitter, nhà lãnh đạo Điện Kremlin viết: “Hãy làm mọi việc để thành công. Chúng ta hãy hành động cùng nhau, vì không có kế hoạch B”. Hồi đầu tháng 12, Anh đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính 68% so với mức của năm 1990 để nước này trung hòa carbon vào năm 2050.

Đối với châu Âu, thỏa thuận nói trên mở ra cơ hội khẳng định vị thế dẫn đầu của Brussels trong cuộc chiến chống khí hậu. EU sẽ trình mục tiêu này tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 12-12, cập nhật vào Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu trước khi kết thúc năm 2020.
Để đáp ứng mục tiêu EU trung hòa về khí thải vào năm 2050 phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, EU cần nâng cao tham vọng trong thập niên tới và cập nhật các mục tiêu khí hậu cũng như khung chính sách năng lượng.

Mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải carbon là sự thỏa hiệp không dễ đạt được giữa các nước giàu - chủ yếu ở Tây Âu, Bắc Âu muốn hành động tham vọng hơn về khí hậu, với các nước ở Đông Âu vốn phụ thuộc vào than đá và có ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Quá trình thảo luận đã kéo dài vì Ba Lan (với sự ủng hộ của các nước Đông Âu) yêu cầu những điều khoản bảo đảm tài chính cho quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch tại quốc gia này. Ba Lan cũng muốn Brussels dựa trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để đưa ra mức giảm thải, nghĩa là các nước kém thịnh vượng hơn sẽ được yêu cầu cắt giảm khí thải ít hơn để tránh thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Theo kế hoạch, Anh cùng LHQ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu mang tên “Climate Ambition” (tạm dịch: Tham vọng về khí hậu) vào ngày 12-12, hướng tới hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11-2021. Mới đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, thế giới vẫn còn cách xa mục tiêu cần đạt được sau 5 năm ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thế giới cần có bước tiến nhảy vọt vào năm 2021 để hướng tới một tương lai không có phát thải ròng.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, đặt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất ở mức dưới 2 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận được sự đồng thuận của Mỹ và 187 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ngày 4-11 vừa qua, Washington đã chính thức rút khỏi thỏa thuận.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.