Đón Giáng sinh trong nỗi lo Covid-19

.

Các nước trên thế giới lo lắng số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng trong mùa Giáng sinh khi các cuộc gặp gỡ, tụ họp, lễ hội vẫn diễn ra. Nhiều quốc gia châu Âu thắt chặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Seoul ngày 16-12. Ảnh: AFP/Getty Images
Xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Seoul ngày 16-12. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo thống kê của trang worldometers.info, trên thế giới hiện có tổng cộng 73,9 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 1,6 triệu ca tử vong và 51,9 triệu ca hồi phục. Mỹ vẫn đứng đầu về số ca nhiễm và tử vong, với các con số tương ứng là hơn 16,7 triệu ca và 303.700 ca. Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho hay, các nhà chức trách Mỹ ngày 15-12 ghi nhận hơn 198.300 ca nhiễm mới và 3.000 ca tử vong.

Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 9,9 triệu ca nhiễm và 144.000 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với hơn 6,9 triệu ca nhiễm và 182.800 ca tử vong.

“Ông già Noel” siêu lây nhiễm

Theo Brussels Times, một người đóng vai ông già Noel ở thành phố Mol (Bỉ) mang niềm vui đến cho Viện dưỡng lão Hemelrijck đã không hề biết mình mắc Covid-19 và làm lây nhiễm cho 75 người. Lúc đến thăm Viện dưỡng lão, “ông già Noel” không có triệu chứng gì.

Một sự việc khác tương tự xảy ra ở bang Georgia (Mỹ) cuối tuần qua. Hai người đóng vai ông/bà già Noel cũng có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều đáng nói là hàng chục trẻ em có nguy cơ mắc Covid-19 vì chụp ảnh chung với “ông/bà già Noel” này. Song, cả hai ông bà đều không có triệu chứng bệnh khi tham gia bữa tiệc Giáng sinh.

Những câu chuyện nói trên làm chính phủ các nước lo lắng. Hãng Reuters cho hay, Đức yêu cầu trong những ngày lễ Giáng sinh từ 24 đến 26-12, tối đa 5 người trong hai gia đình họ hàng thân thích (không tính trẻ dưới 14 tuổi) được gặp gỡ nhau. Chính phủ liên bang và các bang áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt các viện dưỡng lão. Nhà thờ, giáo đường Do Thái, thánh đường Hồi giáo chỉ được phép tổ chức nghi lễ nếu duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 mét và những người tham dự đều đeo khẩu trang.

Ngày 16-12, Đức ghi nhận 952 ca tử vong do Covid-19, con số cao nhất từ trước tới nay trong một ngày, đúng lúc nước này bước vào đợt phong tỏa nghiêm ngặt mới đến ngày 10-1-2021.

Ở Pháp, lệnh giới nghiêm mới ở thủ đô Paris bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-12. Người dân không được ra đường từ 20 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, trừ những trường hợp thực sự cần thiết. Các nhà chức trách Pháp cảnh báo kỳ nghỉ lễ Giáng sinh có thể bắt đầu làn sóng lây nhiễm mới. Trong khi đó, Anh cũng nâng các hạn chế lên mức cao nhất, áp dụng với khu vực đông nam, bao gồm cả thủ đô London.

Xét về khu vực, châu Âu là tâm dịch của thế giới với hơn 22,4 triệu người mắc Covid-19 và 485.400 người tử vong. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 16-12 cho biết, để khống chế đại dịch, 70% dân số phải được tiêm phòng và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cần khởi động chiến dịch tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 cùng nhau, bắt đầu cùng một ngày, như vậy thì không nước nào bị bỏ lại phía sau. EU đã mua lượng vắc-xin nhiều hơn số lượng người dân, và có thể hỗ trợ các nước láng giềng, các đối tác trên thế giới, thông qua Cơ chế Tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) - sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối cùng với liên minh vắc-xin GAVI.

Thêm một vắc-xin của Mỹ hiệu quả hơn 94%

Hãng AP dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, vắc-xin ngừa Covid-19 do hãng Moderna phát triển an toàn và hiệu quả tới 94,1%; đối với người trên 65 tuổi trở lên, hiệu quả là 86%. Loại vắc-xin này có thể được cấp phép sử dụng trong vài ngày tới. Đây sẽ là loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ hai được FDA cấp phép, sau vắc-xin của Pfizer/BioNTech.

Chính phủ Mỹ đã mua 100 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech và đặt mua trước 200 triệu liều khác của Moderna. Dự kiến đến giữa năm 2021, Mỹ sẽ có đủ vắc-xin tiêm cho 150 triệu người.

Trong khi đó, CNN dẫn một kết quả nghiên cứu được công bố ngày 15-12 cho hay, hơn 1/2 số liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được các nước giàu mua lại, như Mỹ, Nhật Bản và Úc; nghĩa là 1/4 dân số thế giới sẽ không thể tiếp cận vắc-xin cho đến năm 2022. Các nước giàu này đã đặt trước gần 7,5 tỷ liều vắc-xin, đủ tiêm cho 3,76 tỷ người.

Lúc các nhà nghiên cứu thực hiện báo cáo nói trên, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ chiếm 1/5 số ca nhiễm toàn cầu, nhưng Washington đã dự trữ 800 triệu liều vắc-xin. Nhật Bản và Úc đã dự trữ tổng cộng 1 tỷ liều.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi các nước minh bạch hơn trong việc hỗ trợ tiếp cận vắc-xin công bằng trên toàn cầu bởi việc này sẽ đem lại lợi ích không chỉ riêng cho lĩnh vực y tế.

THIÊN BÌNH

Hãng Yonhap cho biết, Hàn Quốc ngày 16-12 ghi nhận thêm 1.078 ca mắc Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay trong một ngày. Trong cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun cảnh báo có thể nâng mức phòng dịch lên mức cao nhất (cấp độ 3).

 

;
;
.
.
.
.
.