Trên bàn cờ địa chính trị của thế giới hiện có những thay đổi đáng kể, nhất là kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với sự thắng thế của ông Joe Biden, đưa người của đảng Dân chủ tiếp quản Nhà Trắng trong 4 năm tới.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc tạo dựng một “liên minh thân thiện” để đối đầu với sự trỗi dậy không mang tính hòa bình của Trung Quốc đã không được chú ý đúng mức, do có quá nhiều chính sách đối ngoại theo kiểu “cào bằng”, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế chủ yếu nhằm vào hàng rào thuế quan. Vậy thì việc “đưa nước Mỹ trở lại” của ông Biden có vẻ thích hợp hơn, nhất là đối với các đồng minh ở bên này Đại Tây Dương.
Vào những tháng cuối cùng của năm 2020, cũng là năm cuối của nhiệm kỳ, chính phủ của ông Trump đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao với nhiều nước để tập hợp lực lượng đối đầu với Trung Quốc. Trong đó, Washington tập trung hình thành “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để có tiếng nói chung trong chiến lược an ninh - an toàn hàng không, hàng hải, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Mỹ cũng thúc đẩy sự hợp tác với các đồng minh châu Âu để đối đầu với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, nhất là công nghệ thông tin, cũng như tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh về kinh tế - chính trị ở các tổ chức quốc tế cũng như một số khu vực khác ở các châu lục. Báo cáo mới nhất của Tiểu ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ đã cổ vũ sự hợp tác chung, mời gọi châu Âu cùng với Mỹ xây dựng một chiến lược chung, quyết định mục tiêu và phương tiện hành động, không cho Trung Quốc khống chế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hai địa bàn chiến lược.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước khởi động chưa tích hợp được nhiều yếu tố đồng thuận để tạo ra bước ngoặt lớn cho một cuộc đối đầu mang tầm chiến lược, nhất là việc kéo đồng minh châu Âu vào mặt trận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhưng có một điểm đáng chú ý là phía Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bắt đầu nhận ra những thách thức nghiêm trọng từ Trung Quốc đối với EU cũng như trên quy mô toàn cầu, đỉnh điểm là Covid-19 dẫn đến sự lây lan dịch bệnh ra toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những bước chuẩn bị để thúc đẩy sự hợp tác với Mỹ nhằm ngăn chặn đà ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, trong lúc cả thế giới gồng mình đối phó với Covid-19, Trung Quốc được cho là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cài người vào các định chế quốc tế, đặc biệt là các định chế tư pháp, vừa để lèo lái hoạt động theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, vừa phòng ngừa khả năng bị kiện trước các định chế này.
Theo nhật báo Le Monde (Pháp) số ra đầu tháng 12 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã chuẩn bị hồ sơ chi tiết về những dự án cùng tiến hành với Mỹ. Trong đó, để đối phó với “những thách thức chiến lược” của Trung Quốc, châu Âu kêu gọi khẩn cấp “tái xây dựng” đối tác xuyên Đại Tây Dương trên ít nhất 5 lĩnh vực mà hai bên có cùng mẫu số chung: chống Covid-19; xu hướng đa phương; biến đổi khí hậu; hòa bình, an ninh; và các giá trị chung, cũng như cùng nhau chấn hưng kinh tế.
Ngoài những điểm chung, cũng theo báo Le Monde, châu Âu còn đề nghị cùng Mỹ có một chính sách chung đối phó với Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, hy vọng đó của châu Âu thực hiện được đến đâu với ông Joe Biden, điều này sẽ được trả lời trong thời gian tới. Nhưng trước mắt, có một điều chắc chắn là Tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ được các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đón tiếp nồng nhiệt tại Brussels vào mùa xuân tới. Các báo của Pháp và Đức phản ánh, trong Hội đồng châu Âu - nơi quy tụ các thành viên, ở Ủy ban châu Âu, cũng như tại trụ sở NATO, tràn ngập những lời kêu gọi “xây dựng một đối tác mới” để đối phó với những thách thức nghiêm trọng từ Trung Quốc.
Diễn biến trên cho thấy, EU muốn lật qua trang sử Donald Trump nhiều sóng gió, để từ nay hai bờ Đại Tây Dương đoàn kết như một khối có cùng phương châm hành động, cùng mục tiêu đi tới.
TUYẾT MINH