Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là đường ống dẫn khí đốt trị giá 10 tỷ euro (khoảng 11 tỷ USD) kéo dài 1.200km dưới biển Baltic. Đường ống này được xây dựng nhằm tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên vận chuyển từ Nga tới Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ngoài tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, các công ty quốc tế tham gia dự án bao gồm nhiều “ông lớn” của châu Âu như: Wintershall và Uniper (cùng của Đức), Shell (Anh và Hà Lan), Engie (Pháp) và OMV (Áo).
Từ lâu, Mỹ chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, đồng thời công bố các biện pháp trừng phạt những công ty nào tham gia “Dòng chảy phương Bắc 2”. Quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2021, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới đối với việc lắp đặt tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”. Các biện pháp mở rộng này được đưa vào dự luật về ngân sách quốc phòng của Mỹ, áp đặt hạn chế đối với các công ty bảo hiểm và tổ chức chứng nhận. Ngoài ra, các công ty cung cấp dịch vụ hiện đại hóa hoặc lắp đặt thiết bị hàn trên các tàu tham gia lắp đặt dự án cũng bị trừng phạt.
Ba Lan, Ukraine và các nước Baltic cũng phản đối quyết liệt đường ống nói trên. Chuyên gia phân tích Yuriy Korolchuk thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Ukraine cho rằng, “Dòng chảy phương Bắc 2” hoàn thành có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Kiev vì vận chuyển khí đốt của Nga qua đường ống ở Ukraine có thể giảm đáng kể. Theo chuyên gia này, việc hoàn tất dự án sẽ đóng vòng vây khí đốt ở châu Âu và bảo đảm khí đốt cho các nước trước đây không được “Dòng chảy phương Bắc 1” hay “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” bao phủ. Do đó, vấn đề khí đốt sẽ được giải quyết cho Cộng hòa Czech, Hungary và Ý. Chuyên gia này cũng dự kiến “Dòng chảy phương Bắc 2” có thể hoàn công trong khoảng tháng 4 đến tháng 6-2021, vì 93% dự án đã hoàn thành.
Mặc dù Mỹ và một số nước ở châu Âu phản đối quyết liệt, nhưng Đan Mạch đã “bật đèn xanh” cho phép tập đoàn Nord Stream AG do Nga đứng đầu vận hành hệ thống đường ống dẫn khí tự nhiên biển Baltic đi qua vùng biển Đan Mạch. Còn Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell chỉ trích chính sách “bắt nạt” của Mỹ.
Đặc biệt, Thủ hiến 6 bang Đông Đức gồm Berlin, Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern, Sachsen, Sachsen-Anhalt và Thüringen đã nhất trí tiếp tục ủng hộ việc hoàn tất “Dòng chảy phương Bắc 2”. Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời chất vấn trước Quốc hội nước này cho rằng: “Các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ do Mỹ áp đặt không tương ứng với sự hiểu biết về luật pháp của chúng ta. Mặc dù quá trình xây dựng đang gặp nhiều rắc rối nhưng chúng ta đều có cùng suy nghĩ rằng việc hoàn thành dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là hoàn toàn đúng và chúng ta đang hành động theo tinh thần này”.
Vì thế, dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019, nhưng sau đó lâm vào cảnh ngưng trệ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng dự án, khiến Công ty Allseas - liên danh của Hà Lan và Thụy Sĩ, phải bỏ dở việc xây dựng những km cuối cùng. Nhưng mới đây, các hoạt động hoàn tất dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” được tiếp tục.
Trong khi đó, Nga coi việc Mỹ trừng phạt các công ty tham gia dự án là hành động “đối địch và phá hoại”. Moscow đang cùng Đức thúc đẩy sớm hoàn thành “Dòng chảy phương Bắc 2”.
Việc Đức cũng như EU bất chấp sự phản đối của Mỹ để khơi thông dòng chảy năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là bước đi phản ánh sự tự chủ về chính sách đối ngoại. Đây cũng là một trong nhiều thách thức cho chính quyền mới của Mỹ trong nhiệm kỳ tới với chủ đề mà ông Biden đặt ra là “nước Mỹ trở lại”, để hàn gắn sự bất đồng sâu sắc giữa hai bờ Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Donald Trump.
TUYẾT MINH