Biến thể SARS-CoV-2 lan ra 70 nước

.

Số ca tử vong theo ngày do Covid-19 đã chạm ngưỡng 18.000 ca, được ghi nhận vào ngày 26-1. Đây là một kỷ lục đen tối nữa của Covid-19 trong lúc biến thể SARS-CoV-2 lan ra 70 nước.

Xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Louisa Jordan ở Glasgow, Scotland ngày 23-1. Ảnh: Getty Images
Xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Louisa Jordan ở Glasgow, Scotland ngày 23-1. Ảnh: Getty Images

Hãng tin AP dẫn thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27-1 cho biết, biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh, mang tên VOC 202012/01 hoặc B.1.1.7, đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia; trong khi biến thể từ Nam Phi có tên 501.V2 đã lan ra 31 nước. Biến thể B.1.1.7 được xem là dễ lây lan hơn, còn biến thể 501.V2 làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái nhiễm cao và có thể cản trở hiệu quả của vắc-xin ngừa Covid-19. WHO còn cho hay, một biến thể khác của SARS-CoV-2 mang tên P1, lần đầu tiên được phát hiện ở Brazil, hiện lan ra 8 nước. Biến thể này được cho là dễ lây lan và gây tình trạng bệnh nặng hơn so với các chủng trước đó.

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở châu Âu quá cao

Theo Reuters, Giám đốc WHO tại châu Âu, ông Hans Kluge ngày 28-1 cho rằng, tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở “lục địa già” hiện vẫn quá cao, gây tình trạng căng thẳng cho các dịch vụ y tế. Vì vậy, còn quá sớm để nới lỏng những quy định phong tỏa hoặc hạn chế đi lại. “Chúng ta cần kiên nhẫn, sẽ mất thời gian để tiêm chủng”, ông Kluge phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến. “Chúng ta đã học những bài học - mở cửa rồi đóng cửa và việc nhanh chóng mở cửa lại xã hội là một chiến lược kém trong việc đẩy lùi Covid-19”, ông Kluge nói thêm.

Thủ tướng Anh Borris Johnson đang xem xét việc sử dụng các khách sạn làm nơi cách ly những người đến xứ sở sương mù nhằm ngăn chặn nguy cơ các biến thể mới của SARS-CoV-2 xâm nhập có thể vô hiệu hóa vắc-xin. Anh hiện là quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 nhiều thứ 5 thế giới: hơn 98.500 ca và có hơn 3,6 triệu ca nhiễm. Anh là quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đại trà cho công dân. Hiện xứ sở sương mù này cũng là một trong những nước có số lượng vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai bình quân trên đầu người cao nhất. 

Trong khi đó, số ca nhập viện tại Pháp tăng cao. Pháp hiện đứng thứ 6 trên thế giới về số ca mắc và đứng thứ 7 về số ca tử vong do Covid-19 với các con số lần lượt là hơn 3 triệu ca và 73.400 ca.

Kỷ lục buồn

Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca mắc (hơn 25 triệu ca) và số ca tử vong (429.100 ca). Ngày 27-1, Mỹ ghi nhận hơn 152.400 ca nhiễm mới và gần 4.000 ca tử vong, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho hay, các nhà chức trách đã triển khai ít nhất 47 triệu liều vắc-xin, trong đó đã thực hiện hơn 24,6 triệu mũi tiêm.

Thế giới cũng ghi nhận thêm một kỷ lục liên quan Covid-19: Các số liệu thống kê chính thức cho thấy trong ngày 26-1, toàn cầu có 18.109 người chết vì Covid-19 - mức kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019. Giới phân tích chỉ rõ rằng, tỷ lệ người chết theo ngày trên toàn thế giới tăng dần trong những tháng qua. Cuối tháng 11-2020, số ca tử vong toàn cầu vượt ngưỡng 10.000 người/ngày.

Đến giữa tháng 12-2020, con số này tăng lên 11.000 người/ngày. Ngày 8-1-2-2021, con số này tăng lên 12.000 người; 3 ngày sau tăng lên 13.000 người/ngày. Đến ngày 26-1, một kỷ lục mới được thiết lập: 18.000 người/ngày.

Tuy nhiên, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho rằng nhân loại sẽ không thua trong cuộc chiến chống đại dịch và thế giới rốt cuộc sẽ chinh phục được cuộc chiến này. Bà Kerkhove lý giải, mặc dù số ca tử vong hằng ngày chạm mốc mới 18.000 ca/ngày và các biến thể mới của SARS-CoV-2 đang lây lan rất nhanh, nhưng không có nghĩa là chúng ta đang thất bại trong cuộc chiến chống Covid-19.

WHO chính thức điều tra nguồn gốc Covid-19

Ngày 28-1, sau khi hết thời hạn cách ly, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bắt đầu cuộc điều tra chính thức về nguồn gốc Covid-19 tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên vào cuối năm 2019. Theo Reuters, một trong những nơi họ tập trung nghiên cứu là khu chợ bán động vật sống ở thành phố Vũ Hán.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.