Ít nhất 73 người đã thiệt mạng sau trận động đất 6,2 độ Richter tại tỉnh Tây Sulawesi, Indonesia.
Reuters dẫn lời người phát ngôn Cơ quan phòng chống thiên tai (BNPB), Raditya Jati, ngày 17-1 cho biết, ít nhất 73 người đã thiệt mạng, hơn 820 người bị thương cùng hơn 27.800 người phải rời bỏ nhà cửa sau trận động đất mạnh 6,2 độ Richter tại tỉnh Tây Sulawesi, Indonesia, ngày 15-1.
Hiện, một số người dân đang phải ẩn náu trên núi, trong khi những người khác đến tạm trú trong các trung tâm sơ tán chật chội. Cảnh sát và quân đội đã được triển khai để trấn áp nạn cướp bóc ở một số nơi trong khu vực, người phát ngôn Jati nói thêm.
Ngày 17-1, mưa xối xả đã cản trở công tác tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất.
Máy xúc và cần cẩu đã được triển khai trên khắp thành phố biển Mamuju bị tàn phá bởi động đất, nơi các tòa nhà, bao gồm cả bệnh viện và văn phòng Thống đốc bị hư hại hoặc đổ sập. Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể còn bao nhiêu người, đã chết hay sống sót dưới những đống đổ nát sau trận động đất mạnh này.
Indonesia với gần 270 triệu dân đã phải hứng chịu một loạt thiên tai trong tuần qua. Lở đất do những trận mưa xối xả đã khiến ít nhất 32 người trên đảo Java thiệt mạng. Hàng chục người đã tử vong hoặc mất tích sau khi lũ lụt nghiêm trọng "tấn công" khu vực Sulawesi, Kalimantan và Borneo. Núi lửa Semeru đã phun tro bụi khoảng 4,5km lên bầu trời vào đêm 16-1, dung nham chảy xuống từ miệng núi lửa này. Hiện chưa có báo cáo về thương vong sau khi núi lửa phun trào.
Indonesia thường xuyên phải hứng chịu các thiên tai, núi lửa phun trào do nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương. Năm 2018, một trận động đất mạnh 7,5 độ và sóng thần ở Palu, trên đảo Sulawesi đã khiến hơn 4.300 người chết hoặc mất tích. Ngày 26-12-2004, động đất mạnh 9,1 độ xảy ra ở ngoài khơi bờ biển Sumatra đã gây ra một trận sóng thần, khiến 220.000 người thiệt mạng. Đây được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử Indonesia.
Theo baochinhphu.vn