Tổng thống Donald Trump trước thềm cuộc luận tội lần hai

.

Hạ viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu về việc luận tội Tổng thống đương nhiệm Donald Trump ngày 13-1 (giờ Mỹ) với nội dung cáo buộc ông Trump kích động bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1.

Tổng thống Donald Trump đối mặt với cáo buộc do Hạ viện đưa ra: kích động bạo loạn. Trong ảnh: Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở thủ đô Washington, D.C hôm 6-1. Ảnh: AFP
Tổng thống Donald Trump đối mặt với cáo buộc do Hạ viện đưa ra: kích động bạo loạn. TRONG ẢNH: Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ở thủ đô Washington, D.C hôm 6-1. Ảnh: AFP

Theo AP, ông Donald Trump đang đứng bên bờ cuộc luận tội lần hai trong nhiệm kỳ 4 năm của mình. Tháng 12-2019, Hạ viện đã thông qua 2 cáo buộc đối với ông bao gồm: lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội. Tuy nhiên, đến tháng 2-2020, Thượng viện tuyên bố ông Trump hoàn toàn vô tội.

Giờ đây, trong những ngày cuối nhiệm kỳ, ông Trump đối mặt với một cáo buộc do Hạ viện đưa ra: kích động bạo loạn. Việc đảng Dân chủ thúc đẩy luận tội và phế truất Tổng thống đương nhiệm đang đặt nước Mỹ vào tình trạng rối rắm trước thềm lễ nhậm chức của ông Joe Biden vào ngày 20-1 tới. Đảng Dân chủ đang nắm thế đa số tại Hạ viện nên ông Trump sẽ là Tổng thống duy nhất trong lịch sử nước Mỹ đến nay trải qua 2 lần bị luận tội. Điều khoản luận tội nêu rõ: “Do Tổng thống kích động, một đám đông đã xâm nhập trái phép Đồi Capitol, làm bị thương lực lượng hành pháp, đe dọa các nghị sĩ và Phó Tổng thống, cản trở phiên họp lưỡng viện Quốc hội để xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống, có các hành động nổi dậy, phá hoại, bạo lực gây chết người”.

Hiện có ít nhất 210 nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện ủng hộ luận tội ông Trump, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng tuyên bố ủng hộ. Khi điều khoản luận tội được Hạ viện thông qua thì sẽ chuyển lên Thượng viện.
Ngày 12-1 (giờ Mỹ), Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bổ nhiệm 9 thành viên đảng Dân chủ giữ vai trò công tố viên trong phiên tòa luận tội. 9 công tố viên sẽ tranh luận trong phiên xét xử tại Thượng viện khi điều khoản luận tội được đưa đến cơ quan lập pháp này. Bà Pelosi còn nói rằng, việc dẫn đầu nỗ lực luận tội ông Trump sẽ là “trách nhiệm Hiến pháp và yêu nước”, “quyết tâm bảo vệ nền dân chủ và lòng trung thành với lời thề trước Hiến pháp” của những người vừa được bổ nhiệm.

Động thái của Hạ viện được đưa ra sau khi Phó Tổng thống Mike Pence gửi thư cho bà Pelosi để từ chối phế truất quyền lực của ông Trump. “Tôi cho rằng, hành động này không phục vụ lợi ích tối cao của đất nước hay phù hợp với Hiến pháp”, ông Pence viết. Trong thư, ông Pence không nhắc đến Tổng thống Trump, chỉ nói rằng Tu chính án 25 không phải công cụ để trừng phạt hay tranh quyền đoạt vị, nên việc sử dụng Tu chính án này không hợp lý sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Bước đi của Hạ viện được xem là “đòn cuối” để phế truất ông Trump trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Trong khi đó, AP dẫn lời Tổng thống Trump gọi kế hoạch luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện là phần tiếp theo của “cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị”. Ông cho rằng, các nhà lập pháp ở Hạ viện muốn lật đổ ông, chứ không phải hành động của ông xung quanh vụ bạo loạn ngày 6-1 gây chia rẽ đất nước. “Tôi nghĩ rằng, nếu tiếp tục con đường này thì sẽ gây nguy hiểm to lớn cho đất nước chúng ta, gây ra sự phẫn nộ tột độ”, ông Trump phát biểu với báo giới ngày 12-1 (giờ Mỹ).

Ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện cho biết, phiên tòa xem xét điều khoản luận tội chỉ có thể bắt đầu khi Thượng viện trở lại làm việc vào ngày 19-1, trước ngày ông Biden nhậm chức 1 ngày. Ông McConnell thể hiện sự hài lòng với những nỗ lực luận tội Tổng thống đương nhiệm của các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện, đồng thời cho rằng điều này sẽ giúp “loại bỏ” ông Trump khỏi đảng Cộng hòa dễ dàng hơn. Đáng chú ý là trong cuộc bỏ phiếu luận tội ông Trump lần thứ nhất ở Thượng viện, chính ông McConnell đã bỏ phiếu trắng án.

Theo lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, cơ quan lập pháp này có thể nhóm họp sớm hơn ngày 19-1. Từ trước đến nay, chưa có Tổng thống Mỹ nào bị Thượng viện kết án. Nhưng những gì đang xảy ra phản ánh sự chia rẽ sâu sắc hiện tại của nước Mỹ. Chính trường Mỹ đang trải qua giai đoạn “sóng gió” và khó lường, điều này rõ ràng không có lợi cho ông Joe Biden khi nhậm chức.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.