Châu Âu tăng tốc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) họp trực tuyến vào ngày 25-2 nhằm thúc đẩy việc sản xuất và tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong lúc “lục địa già” bị chỉ trích về tốc độ tiêm chủng quá chậm.

Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Ảnh: AFP/Getty Images
Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo Reuters, EU đang đối mặt với cuộc đua chống lại các biến thể mới của SARS-CoV-2, được cho là có thể tạo ra làn sóng thứ ba về dịch bệnh trên toàn châu lục. Tính đến cuối tháng 2-2021, chỉ 6% dân số EU được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19; trong khi con số này tại Anh - quốc gia vừa rời EU - lên đến 27%, còn Israel - quốc gia ở vùng Trung Đông - là gần 50%.

Xem xét “hộ chiếu vắc-xin”

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định, ưu tiên của khối tiếp tục là tăng tốc chiến dịch tiêm chủng trên toàn châu lục. Ủy ban châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận với một số công ty dược về việc cung cấp hơn 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19, vượt xa so với tổng dân số khoảng 450 triệu người của EU. Song, chỉ có 3 loại vắc-xin được cấp phép bao gồm: Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford. Các quan chức nói rằng, vắc-xin của Johnson & Johnson sẽ được phê chuẩn vào tháng 3 tới. Châu Âu đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào mùa hè năm nay.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 25-2, các nhà lãnh đạo EU còn bàn thảo về “hộ chiếu vắc-xin” để có thể nới lỏng việc di chuyển nội khối, tức là phải cân bằng giữ lệnh hạn chế đi lại với mở cửa biên giới để lưu thông hàng hóa và các dịch vụ trong một thị trường thống nhất. Theo AP, các nhà lãnh đạo xem xét việc có nên có “hộ chiếu vắc-xin” (giấy chứng nhận tiêm vắc-xin) hay không để thuận lợi đi lại bằng đường hàng không. Một số nước Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha vốn phụ thuộc vào du lịch bày tỏ ủng hộ ý tưởng này, nhưng các nước Bắc Âu như Đức hoài nghi về hiệu quả của “hộ chiếu vắc-xin”. Hơn nữa, Đức và Pháp đều cho rằng, “hộ chiếu vắc-xin” có thể tạo ra tình trạng phân biệt đối xử với những người chưa tiêm vắc-xin hoặc không đồng ý tiêm vắc-xin. Ở Đức, Pháp và nhiều nước khác, việc tiêm vắc-xin là tự nguyện. Nhiều nước thành viên khác cũng cho rằng, việc sớm cho phép đi lại tự do sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tái bùng phát dịch.

Trong thư gửi các nhà lãnh đạo EU, ông Charles Michel khẳng định các nước cần áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Song, thực tế EC vẫn muốn tìm giải pháp chung để kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên EU. Theo đó, trong vòng 10 ngày, 6 nước gồm Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển phải điều chỉnh các biện pháp đơn phương cấm đi lại qua biên giới những nước này, bởi động thái “quá mạnh tay” như thế sẽ phá vỡ, gây gián đoạn hoạt động di chuyển tự do và chuỗi cung ứng.

Lo ngại biến thể SARS-CoV-2

Phát biểu trước thềm cuộc họp, một quan chức EU thừa nhận áp lực trong lúc này là rất lớn. “Virus này không quan tâm đến biên giới. Vì vậy, nếu không phối hợp thì chúng ta sẽ không cùng nhau vượt qua”, Reuters dẫn lời vị quan chức nói.

Một vấn đề đặt ra là mặc dù tỷ lệ nhiễm Covid-19 mới đang giảm ở khoảng 20 quốc gia trong số 27 thành viên EU, nhưng số ca nhiễm biến thể SARS-CoV-2 gia tăng ở Anh làm dấy lên lo ngại về tình trạng lây nhiễm. Thụy Điển ngày 24-2 cho biết, nước này sẽ giảm thời gian mở cửa của tất cả các nhà hàng, bar, quán cà phê, cũng như thắt chặt kiểm soát số lượng người được đến các cửa hiệu nhằm ngăn chặn làn sóng thứ ba. Chính phủ Cộng hòa Czech ngày 25-2 tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn sau khi Thủ tướng Andrej Babis cảnh báo rằng các bệnh viện phải đối mặt với “thảm họa” nếu không có hành động nào.

Tại Pháp, với số ca nhiễm mới tăng cao trở lại, chính phủ đang xem xét áp đặt biện pháp hạn chế mới tại các địa phương. Ngày 24-2, Pháp ghi nhận hơn 31.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3,66 triệu ca. Số ca tử vong tại Pháp tăng thêm 277 ca lên hơn 85.300 ca.

Tính đến nay, theo AP, Covid-19 đã làm hơn 515.000 người tử vong ở 27 quốc gia thuộc EU. Trong bối cảnh đó, việc tăng tốc chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cùng các biện pháp khác nhằm phòng chống dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang… là cách thức hiệu quả để đẩy lùi đại dịch. Thế nhưng, các nước châu Âu chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề liên quan Covid-19.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.