Covid-19 tới 6 giờ 27-3: Thế giới trên 126 triệu ca bệnh; Số ca tử vong tăng vọt ở Brazil

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 574.176 trường hợp mắc Covid-19 và 10.052 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mức 126,5 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,75 triệu người không qua khỏi.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Cagliari , Italy, ngày 15-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Cagliari , Italy, ngày 15-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 126.635.055 ca, trong đó có 2.778.036 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 101.163.668 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.392.359 ca và 91.569 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 26-3, thế giới có tới 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Dộ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

 Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Bhopal, Ấn Độ, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Bhopal, Ấn Độ, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 561.030 ca tử vong trong tổng số 30.780.446 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 303.726 ca tử vong trong số 12.324.765 ca bệnh. Tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại Brazil.

Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới Covid-19 đã vượt quá 100.000 ca - mức cao nhất từ trước đến nay. Số ca bệnh tại Brazil đã tăng liên tiếp kể từ tháng 2 vừa qua do một số nguyên nhân, trong đó có việc người dân không tuân thủ nghiêm túc những quy định về giãn cách xã hội và sự xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 được cho là dễ lây lan hơn.

Trong khi đó, Mexico đã trở thành quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao thứ 3 thế giới khi số người không qua khỏi vì đại dịch này đã tăng lên 200.211 ca, sau Mỹ (với hơn 559.700 ca) và Brazil (với hơn 303.700 ca).

Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mexico đã vượt quá 200.000 người cho dù số ca nhiễm và tử vong mới trong những tuần gần đây có xu hướng giảm sau khi tăng vọt vào tháng 1, khiến nhiều bệnh viện ở nước này rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, giới chức Mexico cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm mới sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 tới.

Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Bucharest, Romania khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được tăng cường, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Bucharest, Romania khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được tăng cường, ngày 25-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định "Lục địa Già" không chỉ đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, mà là một "đại dịch mới", do biến thể phát hiện ở Anh gây ra.

Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức Lothar Wieler cũng cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch Covid-19 ở nước này có nguy cơ trở thành làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất từ đầu dịch đến nay và con số 100.000 ca mắc mới mỗi ngày hoàn toàn có thể xảy ra

 Ông khuyến cáo người dân ở nhà vào dịp lễ Phục sinh do những tuần sắp tới sẽ là thời điểm "rất khó khăn". Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm hơn 21.500 ca mắc mới Covid-19, trong khi số ca tử vong do căn bệnh này cũng tăng 183 ca. Tính đến thời điểm hiện tại, Đức có 2,74 triệu ca mắc Covid-19 và 75.669 ca tử vong.

Cùng ngày, Ukraine ghi nhận 18.132 ca mắc mới Covid-19, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trước đó, số ca mắc mới hằng ngày cao nhất ở nước này là 16.669 ca ghi nhận ngày 25-3. Tổng số ca mắc ở Ukraine tính đến nay là 1.614.707 ca, với 31.461 ca tử vong.

 Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình trên, Romania thông báo hàng loạt biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt hơn, theo đó quy định đóng cửa sớm các cơ sở kinh doanh và hạn chế hoạt động đi lại tại nhiều thành phố và khu vực mà dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Việc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan mới. Công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ thông báo đã bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 ở trẻ em dưới 11 tuổi. Hiện Pfizer đang thử nghiệm 3 mức liều lượng vaccine khác nhau ở nhóm đối tượng này và đang thử nghiệm vaccine ở trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 15. Trước đó, hãng dược phẩm Moderna và AstraZeneca đã bắt đầu thử nghiệm vaccine ở trẻ em nhỏ tuổi hơn. Hiện Johnson & Johnson cũng lên kế hoạch tương tự.

Các nhà khoa học Séc cũng thông báo mới thử nghiệm thành công kháng thể kép, có hiệu quả chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi và Brazil. Kháng thể này được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y sinh ở Bellinzona, Thụy Sĩ và các nhà khoa học tại Trung tâm Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Séc.

 Hướng dẫn người dân tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ngày 14-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hướng dẫn người dân tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc, ngày 14-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Oxford (Anh) cho thấy một liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho phản ứng miễn dịch tương tự như khi nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên và có thể bảo vệ những người từng mắc bệnh trước các biến thể của loại virus này.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Oxford, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Miễn dịch SARS-CoV-2 Anh, 99% số người được tiêm 1 liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Để đưa ra được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 237 người, và phát hiện rằng phản ứng của kháng thể và tế bào T ở những người chưa từng mắc Covid-19 giống với những bệnh nhân lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên.

Những người từng mắc bệnh có phản ứng miễn dịch mạnh và rộng hơn, với phản ứng tế bào T cao hơn khoảng 6 lần so với những người không bị mắc bệnh. Do đó, theo các nhà nghiên cứu, việc tăng cường phản ứng kháng thể đã có từ trước có thể cung cấp "lá chắn" chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có cả biến thể đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, được cho là giảm hiệu quả của các vaccine hiện có.

 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26-3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.726 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên xấp xỉ 58.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới Covid-19 cao thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày vượt qua Indonesia và nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Timor Leste chứng kiến số ca mắc bệnh tăng vọt.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 18 ca bệnh mới, song không có ca tử vong nào.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 26-3 ghi nhận thêm tới 100 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.

 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi mua sắm tại một khu chợ ở Manila, Philippines ngày 20-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi mua sắm tại một khu chợ ở Manila, Philippines ngày 20-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 29 bệnh nhân mới trong ngày 26-3. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 58.937 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.753.871 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.445.350 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Theo baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.