Thông điệp khẳng định liên minh Trung Quốc - Triều Tiên

.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã trao đổi thông điệp khẳng định liên minh truyền thống giữa hai nước, đồng thời cam kết đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 21-6-2019. Ảnh: KCNA/AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 21-6-2019. Ảnh: KCNA/AP

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 23-3 dẫn lời nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un, kêu gọi “đoàn kết và hợp tác” với Trung Quốc khi đối mặt với những thách thức của “các lực lượng thù địch”.

Hợp tác ngày càng mạnh mẽ hơn

Trong thông điệp gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un khẳng định việc “tăng cường liên lạc chiến lược giữa hai bên trên cơ sở tình đồng chí sâu sắc là yêu cầu của thời đại”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ tin tưởng sự hợp tác giữa Triều Tiên và Trung Quốc sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn “theo yêu cầu của thời đại, phù hợp với khát khao, ước nguyện và lợi ích cốt lõi” của hai nước.

Đáp lại, theo KCNATân Hoa xã, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc - Triều Tiên là “tài sản quý giá” đối với cả hai nước, đồng thời cam kết sẽ có những đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trong thông điệp gửi ông Kim Jong-un, ông Tập Cận Bình bày tỏ cam kết “mang lại cho nhân dân hai nước cuộc sống tốt đẹp hơn”. Một số nhà phân tích xem đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ sớm cung cấp cho Triều Tiên lương thực, phân bón và những viện trợ khác trong bối cảnh Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Cũng theo Tân Hoa xã, lãnh đạo hai nước đã trao đổi thông điệp nói trên khi nhà ngoại giao cấp cao Tống Đào của Trung Quốc và Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ri Ryong Nam gặp gỡ ở thủ đô Bắc Kinh ngày 22-3.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và có quan hệ thân thiết nhất với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, mối quan hệ truyền thống này trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi ông Kim Jong-un làm lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2012. Việc Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa đạn đạo đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Từ năm 2018, mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên ấm trở lại khi ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh không những một lần mà thêm 3 lần khác cũng trong năm 2018 và năm sau đó. Ông Tập Cận Bình thăm Triều Tiên vào tháng 6-2019 và trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc cấp cao nhất thăm quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên kể từ năm 2005. Trong các chuyến thăm, ông Tập Cận Bình cam kết đóng vai trò tích cực và xây dựng trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Hướng tới nối lại đàm phán Mỹ - Triều?

Theo AP, việc Trung Quốc và Triều Tiên trao đổi thông điệp diễn ra khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy chiến lược ngoại giao “xoay trục” về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó tăng cường hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản - hai đồng minh then chốt ở châu Á - để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Trong chuyến thăm Hàn Quốc mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích chương trình hạt nhân của Triều Tiên và thúc giục Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Hồi đầu tháng 3 này, Tổng thống Joe Biden cho biết, ông sẽ trao quyền cho các nhà ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Đến nay, Triều Tiên vẫn phớt lờ những nỗ lực của Mỹ trong việc tiếp cận đàm phán hạt nhân. Bình Nhưỡng khẳng định sẽ không tham gia đàm phán trừ khi Washington dỡ bỏ “các chính sách thù địch” trước, tức các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Cheong Seong-Chang, Giám đốc Viện Sejong của Hàn Quốc, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng, đáng chú ý là Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công khai bày tỏ sự ủng hộ các kế hoạch của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc gia tăng khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thay vào đó, ông Tập nhấn mạnh sự ổn định của khu vực. Theo ông Cheong Seong-Chang, điều đó cho thấy, Trung Quốc ủng hộ giải pháp ngoại giao hơn là hồi sinh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời, bất chấp những rạn nứt trong quan hệ với Mỹ, Bắc Kinh vẫn có thể ủng hộ nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều vốn đang bế tắc.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.