Giải cứu thành công tàu Ever Given ở kênh Suez

.

Ngày 29-3, siêu tàu Ever Given xoay khỏi vị trí mắc cạn và bắt đầu chuyển động sau gần một tuần chặn ngang kênh đào Suez, khiến gần 400 tàu khác cũng bị ùn tắc ở tuyến vận tải biển quan trọng kết nối giữa châu Âu và châu Á.

Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Maxar Technologies
Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Maxar Technologies

Hãng tin Reuters ngày 29-3 dẫn các hình ảnh và video cho thấy, siêu tàu container Ever Given dần thoát khỏi vùng mắc cạn, chuyển động dọc theo dòng nước và trở lại hướng di chuyển thông thường. Các đội kỹ thuật kiểm tra sơ bộ các bộ phận của tàu, khởi động động cơ và tàu chuẩn bị được lai dắt về phía Hồ Lớn (Great Lakes).

Chạy đua với thời gian

Giới chức quản lý kênh đào phía Ai Cập cho biết, tàu Ever Given đã xoay trở lại đúng hướng di chuyển tới 80%. Reuters dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie xác nhận, tàu đã nổi trở lại thành công vào sáng 29-3. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi vui mừng ca ngợi nỗ lực giải cứu tàu Ever Given. “Hôm nay, người Ai Cập đã thành công trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng con tàu mắc cạn ở kênh Suez, bất chấp những phức tạp xung quanh quá trình giải cứu này”, ông Sisi viết trên Twitter. Giá dầu thô trước đó tăng thì ngay lập tức giảm, với giá dầu thô Brent giảm 1 USD/thùng, xuống còn 63,67 USD/thùng.

Ai Cập phải chạy đua với thời gian để tìm phương án xử lý sự cố, khôi phục giao thông ở kênh đào Suez trong lúc có những dự đoán rằng, việc lai dắt siêu tàu Ever Given có thể mất vài ngày đến vài tuần. Đội cứu hộ tàu đã nạo vét khoảng 27.000m3 cát về phía hai bên bờ của kênh Suez xuống độ sâu khoảng 18m để tạo lối di chuyển cho con tàu. Phần mũi tàu bị hư hỏng một phần nhưng kết cấu tàu vẫn được đánh giá là ổn định.

Lỗi kỹ thuật hoặc con người?

Tàu Ever Given mang cờ Panama, có tải trọng lên tới 199.000 tấn. Trên đường từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam ở Hà Lan, khi tiến vào kênh đào Suez từ Biển Đỏ vào ngày 23-3, siêu tàu đâm chéo vào bờ kênh, khiến tàu gần như xoay ngang, bịt kín tuyến hàng hải. Nguyên nhân ban đầu được cho là sức gió quá mạnh khiến tàu xoay ngang. Theo đó, gần 400 tàu khác cũng bị kẹt lại. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 27-3, ông Osama Rabie cho rằng, có thể do lỗi kỹ thuật hoặc con người, chứ không do gió và thời tiết.

Các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới thiệt hại 400 triệu USD/giờ khi siêu tàu Ever Given mắc cạn ở kênh Suez. Riêng Ai Cập thiệt hại từ 12-14 triệu USD/ngày. Theo tờ Global Times, phần lớn hàng hóa trên tàu Ever Given là của chủ hàng Trung Quốc.

Những hãng vận tải đường biển lớn như Maersk của Đan Mạch ước tính sau khi giải cứu tàu Ever Given, sẽ phải mất từ 3-6 ngày để lưu thông hết hàng trăm tàu khác. Một số tàu hàng chọn cách đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi, kéo dài thời gian di chuyển và tốn kém hơn đi vào kênh đào Suez. Chủ sở hữu tàu Ever Given cũng phải đối mặt với hàng triệu USD tiền bồi thường bảo hiểm và chi phí dịch vụ cứu hộ.

Theo Reuters, được khánh thành năm 1869, kênh đào Suez dài 193km là tuyến vận tải quan trọng trong việc vận chuyển dầu thô, hóa chất và các sản phẩm tinh chế từ khu vực Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu và Bắc Mỹ. 

Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết, khoảng 30% số container của thế giới đi qua kênh đào Suez mỗi ngày. Năm 2020, khoảng 19.000 lượt tàu đi qua kênh đào này, trung bình 51,5 tàu/ngày.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.