Sau hơn 70 năm tồn tại, chưa bao giờ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc như trong những năm qua dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nổi lên một số vấn đề khá gai góc như: đóng góp chi phí của các nước thành viên cho khối; vấn đề phòng thủ tập thể; thành viên “nổi loạn” Thổ Nhĩ Kỳ cùng với việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga; Mỹ “bóng gió” về việc rời khỏi NATO…
Thời điểm này dường như thích hợp để hàn gắn mối quan hệ giữa các đồng minh NATO. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi xây dựng lại lòng tin đã mất, trong khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden coi việc “cài đặt lại quan hệ” với các đồng minh của Washington giữa hai bờ Đại Tây Dương nói chung, NATO nói riêng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới để đối phó với hàng loạt thách thức trên quy mô toàn cầu.
Điểm khởi đầu đáng chú ý là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra vào ngày 17 và 18-2 vừa qua, với sự tham dự của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, một cơ hội để Washington và các đồng minh “gây dựng lại lòng tin đã mất”. Ông Austin đã nhanh chóng hứa hẹn rằng, với sự thay đổi quyền lực trong Nhà Trắng, những ngày hành động đơn phương của Mỹ sẽ sớm kết thúc. Ông tái khẳng định thông điệp của Tổng thống Biden rằng, Washington dự định khôi phục mối quan hệ với NATO và cam kết trong vấn đề phòng thủ tập thể theo Điều 5 Hiến chương NATO vẫn còn nguyên giá trị.
Có thể nói, động thái của Mỹ phần nào “xoa dịu” được các đồng minh NATO đang thất vọng với những gì họ cho là “liên minh thất bại trong phối hợp về chính trị”. Song, không ít đồng minh của Mỹ vẫn lo ngại nguy cơ trọng tâm ngoại giao mà Tổng thống Biden sẽ đặt vào mối quan hệ đồng minh có thể chẳng đi đến đâu khi đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, gây cản trở việc phục hồi nền kinh tế cũng như các hoạt động đi lại.
Trong khi đó, một vấn đề hóc búa khác chưa thể làm thỏa mãn cả đôi bên ngay lập tức, đó là đóng góp chi tiêu quốc phòng. Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ: “Bất chấp tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, năm 2020 là năm thứ 6 liên tiếp các đồng minh châu Âu và Canada tăng chi tiêu quốc phòng, với mức tăng trên thực tế là 3,9%”. Tổng chi tiêu dành cho quân sự của 30 nước thành viên NATO trong năm 2020 đã lên tới 1.028 tỷ USD, trong đó Mỹ vẫn đóng góp phần lớn với 71%. Mỹ đang hướng tới xây dựng lại quan hệ với NATO, song được cho là vẫn kiên quyết với các đồng minh châu Âu về vấn đề tăng thêm chi tiêu cho quốc phòng lên tới mục tiêu đề ra năm 2014 là chiếm 2% GDP. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, quan điểm về chia sẻ gánh nặng toàn cầu từ thời ông Trump sẽ không biến mất và vẫn là một ưu tiên.
Có thể hiểu rằng Tổng thống Biden sẽ đưa ra giọng điệu “nhẹ nhàng” hơn so với người tiền nhiệm, nhưng không ngừng thúc đẩy các nước châu Âu phải chia sẻ gánh nặng tài chính cho việc bảo đảm an ninh cho “lục địa già”.
Một thách thức khác không kém phần “hóc búa” đối với chú ngựa “bất kham” Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO. Do nằm ở vị trí quan trong trên bàn cờ địa chính trị, Ankara đã có hàng loạt hành động làm Mỹ và các đồng minh NATO đau đầu. Gần đây là bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, hai thành viên của NATO trong vấn đề lãnh thổ ở khu vực Địa Trung Hải, cũng làm khối này trở nên “bấn loạn”.
Mỹ vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ S-400 cũng như việc giải quyết người Kurd ở biên giới với Syria… Vì vậy, sự thống nhất để đối phó những thách thức đặt ra với NATO ngày càng trở nên khó khăn hơn, phức tạp hơn bội phần.
Có thể thấy, cuộc khủng hoảng lòng tin trong nội bộ NATO trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, vấn đề hòa bình ở Trung Đông, chương trình hạt nhân của Iran, xung đột ở Syria, cuộc chiến chống khủng bố, Covid-19, “sự băng giá” trong quan hệ Mỹ - Nga, hay sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc… ngày càng có những diễn biến khó lường. Do vậy, để NATO gây dựng lại lòng tin trong bối cảnh như vậy không thể là câu chuyện một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự tương tác giữa các bên liên quan.
TUYẾT MINH